Sách Nhật ký trong tù (Quách Tấn phỏng dịch). Ảnh: MH. |
Nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là dịp kỷ niệm 80 năm Bác viết tác phẩm Ngục trung nhật ký, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ra mắt cuốn Nhật ký trong tù do nhà thơ Quách Tấn phỏng dịch.
Sáng 18/5, trước thềm buổi giao lưu ra mắt sách tại Trung tâm sách Quốc gia, Hà Nội, nhà sử học Dương Trung Quốc đã có những trao đổi với Zing về bản dịch của nhà thơ Quách Tấn cũng như tầm quan trọng của tác phẩm Nhật ký trong tù.
Những tâm sự, ý chí của người làm cách mạng
- Theo ông, tác phẩm "Nhật ký trong tù" có vai trò, ý nghĩa nào xét trên phương diện văn chương và lịch sử?
- Ngục trung nhật ký là tác phẩm bằng chữ Hán của cụ Hồ. Suốt 63 năm nay, kể từ khi tác phẩm được phát hiện và dịch ra chữ Quốc ngữ, tác phẩm này đã trở thành một phần gần gũi trong đời sống văn hóa Việt Nam.
Tác phẩm này cũng đã được đưa vào sách giáo khoa. Năm 2012, văn bản này được công nhận là bảo vật quốc gia. Có lẽ, nó không xa lạ với số đông người Việt Nam, càng không xa lạ với người quan tâm đến Bác Hồ hay nền văn học nước nhà.
Về lịch sử mà nói, tác phẩm ra đời vào hoàn cảnh khá đặc biệt. Từ năm 1941, Bác đã trở về nước sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Nhưng khi ấy, chiến tranh thế giới đang diễn ra một cách quyết liệt - chiến tranh Thái Bình Dương nổ ra, Nhật đã nhảy vào Trung Quốc. Bác sang miền Nam Trung Quốc để liên hệ các lực lượng đồng minh. Nhưng vì một lý do nào đó, chính quyền địa phương Quảng Tây, Trung Quốc bắt giam Bác trong 13 tháng, từ 1942 đến 1943.
Trải qua hơn 13 tháng, Bác ở nhiều nhà tù khác nhau trong khu vực Quảng Tây. Trong thời gian bị giam hãm như thế, Bác sáng tác và đợi đến ngày được tự do, để tiếp tục dấn thân thúc đẩy cách mạng ở Việt Nam.
Quả thật, sau khi Bác rời khỏi nhà tù của thế lực quân phiệt Trung Quốc, bác đã hoạt động, thúc đẩy cuộc Cách mạng Tháng tám thành công, trong đó có vai trò của việc nối kết với lực lượng Đồng minh chống phát xít.
Nhà sử học Dương Trung Quốc tại buổi giao lưu ra mắt sách. Ảnh: M.H. |
Những bài thơ trong Ngục trung nhật ký được viết bằng chữ Hán, theo Đường luật. Người ta cũng đặt ra câu hỏi là vì sao sau bao năm bôn ba hải ngoại, chủ yếu là châu Âu, một phần Trung Quốc và Xiêm, Bác Hồ sử dụng nhiều ngoại ngữ khác nhau, khi là Nga, khi là Pháp, mà lại sáng tác bằng chữ Hán. Có lẽ, chính trong khoảng thời gian về nước, Bác trở lại với vốn kiến thức của thế hệ những người Việt Nam còn gắn bó với nền học thuật truyền thống, viết chữ Nho.
Về khía cạnh nghệ thuật, tác phẩm hay đến mức nào, tôi không phải là nhà nghiên cứu sâu về văn chương, nên xin để những người có chuyên môn phân tích.
Tôi hiểu rằng ở Ngục trung nhật ký, Bác gửi gắm những tâm sự, cái ý chí của người làm cách mạng.
- Từ "Ngục trung nhật ký", tác phẩm đã được dịch và đến với bạn đọc ra sao?
- Rời chốn tù đày, Bác Hồ về đến căn cứ địa Cao Bằng, mới gửi bản thảo cho một người ở đấy. Sau, người này giao cho con mình; người con lại giao cho một bí thư Cao Bằng gửi về Hà Nội.
Nhật ký trong tù, cũng như Truyện Kiều của Nguyễn Du đã trải qua thử thách của thời gian
Nhà sử học Dương Trung Quốc
Sau 15 năm lưu lạc, theo tôi biết thì tầm thập niên 1960, nhà thơ Tố Hữu mới chỉ đạo người dịch để xuất bản tác phẩm. Khi ấy, những nhà túc nho nổi tiếng như Nam Trân, Khương Hữu Dụng, Đặng Thai Mai, Xuân Thủy… đều tham gia dịch tác phẩm.
Tác phẩm này cũng đã được dịch lại nhiều lần, cả thế hệ trẻ hơn như anh Huệ Chi, chị Mai Thanh cũng dịch.
- Ông cho rằng cần làm gì để khuyến khích giới trẻ đọc "Nhật ký trong tù"?
- Nhật ký trong tù, cũng như Truyện Kiều của Nguyễn Du đã trải qua thử thách của thời gian. Vấn đề là ta giáo dục lớp trẻ thế nào để khơi gợi được cảm hứng tìm hiểu về văn học, nghệ thuật nước nhà, xét cho cùng, đây là một trong những tác phẩm văn học giá trị của Việt Nam.
Bản dịch đặc biệt của một nhà thơ đặc biệt
- Cơ duyên nào ông được tiếp cận với nhà thơ Quách Tấn và bản dịch này?
- Cụ Quách Tấn là nhà thơ nổi tiếng ở Nam Trung Bộ. Cụ quê gốc ở Bình Định nhưng hoạt động nhiều năm ở Nha Trang. Cụ rất am hiểu hai vùng đất này và đã có hai cuốn địa chí với đầy chất văn chương về non nước Bình Định và xứ Trầm Hương. Hơn hết, cụ là nhà thơ, xuất hiện từ sớm - năm 1931 - cùng những nhà thơ nổi tiếng ở Bình Định như Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên…
Cụ còn là người rất giỏi về Đường thi, đồng thời đã dịch nhiều bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du và nhiều tên tuổi khác trong di sản của dân tộc.
Năm 1978, tôi (khi ấy là cán bộ Viện Sử học, phụ trách thư viện của Viện) cùng anh Văn Tảo (khi ấy là lãnh đạo Viện) đã đi một số tỉnh miền Trung, khảo sát sử liệu. Đến Nha Trang, tôi nghe người ta nói rằng một trong những người còn giữ được khá nhiều sách là cụ Quách Tấn, một nhà văn hóa lớn ở địa phương, tôi tìm đến cụ.
Sau khi nghe tôi trình bày về mục đích lưu giữ sách viết về lịch sử, cụ đồng ý và dắt tôi ra xem tủ sách của cụ. Thấy tôi say mê trước những cuốn sách giá trị, cụ mới cho chuyển những cuốn sách ấy vào thư viện của Viện Sử học. Những cuốn sách ấy nay vẫn còn tại Viện Sử.
Trước khi chia tay, cụ nói thấy tôi là người quý sách nên cho tôi xem “cái này”. Cụ cũng nói kỹ quan điểm rằng “cái này” cụ không muốn cho ai xem, không muốn trở thành người phù thịnh, xu thời.
Cụ nói “cái này” cụ dịch từ rất lâu rồi, từ khi còn ở ngoài Bắc, khi đất nước còn bị chia đôi. Bạn bè biết cụ là người yêu thích thơ Đường, đã gửi cho cụ đọc Ngục trung nhật ký.
Từ tình cảm của người làm thơ, của thi nhân dành cho Bác Hồ, nhà thơ Quách Tấn dịch lại Ngục trung nhật ký. Sau đó, cụ trân trọng mời một người viết thư pháp đẹp viết lại. Đây như một kỷ niệm riêng tư đối với cụ thôi. Tôi nhớ cụ cất bản thảo viết tay ấy trong một gói giấy xi măng chống ẩm, để dưới gầm khán thờ.
Đưa cho tôi xem xong thì cụ cất đi thôi. Nhưng tôi rất nhớ điều ấy. Đến năm 2015, tôi có viết hồi ức nhắc đến cụ Quách Tấn. Cảm mến, bác Quách Giao (con của cụ Quách Tấn) mới lấy tập bản thảo ra, chụp lại tặng tôi một bộ ảnh.
Lúc đó tôi mới có dịp xem kỹ. Tôi thấy cụ dịch thực sự hay. Ngôn ngữ thi ca của cụ vốn đã nổi tiếng rồi, khi dịch Ngục trung nhật ký, cụ viết có nét rất riêng. Tôi rất trân trọng điều đó.
Ông Dương Trung Quốc khen bản dịch Nhật ký trong tù của nhà thơ Quách Tấn, cho rằng bản dịch có nét riêng. Ảnh: MH. |
- Biết tới bản dịch từ lâu như vậy, điều gì khiến lần này ông quyết định đưa bản dịch đi xuất bản, phát hành tới đông đảo công chúng?
- Tôi được biết trước đó đã có nhiều người tiếp cận và khi biên tập bộ Nhật ký trong tù rồi đã sử dụng một vài bài dịch của cụ Quách Tấn rồi. Nhưng năm 2015, nhân một cuộc hội thảo về nhà thơ Quách Tấn, tôi mới quyết định sẽ xuất bản bản dịch này. Lần ấy thì xuất bản quy mô nhỏ thôi. Thông qua Nhà xuất bản Thế giới, chúng tôi in và phát hành số lượng ít, chủ yếu cho anh em trong giới nghiên cứu sử.
Năm nay, kỷ niệm 80 năm ngày Bác Hồ viết Ngục trung nhật ký, tôi có dịp tiếp cận với đội ngũ Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. Chúng tôi nhận thấy việc xuất bản lại bản dịch này rất có ý nghĩa.
Đầu tiên là tạo điều kiện cho những người yêu thơ Đường thi nói chung, thơ cụ Hồ nói riêng, tiếp cận được bản dịch của một trong những dịch giả tài năng của nước nhà.
Thứ hai, bản dịch thể hiện được cả tài năng lẫn tình cảm của một bậc trí thức, một nhà thơ nổi tiếng dành cho Bác Hồ. Cụ Quách Tấn cũng rất khiêm tốn, chỉ đề là phỏng dịch thôi.
Về cụ Quách Tấn, còn có một điều mà chúng tôi đang mong muốn. Ấy là xác lập được cho cụ một vị trí trong nền văn chương của dân tộc. Điều đó có thể đã được khẳng định rồi, nhưng đến giờ, tôi cảm thấy tên tuổi cụ chưa được vinh danh tương xứng Tôi nghĩ với lần xuất bản này, tôi mong làm cho sáng tỏ vị thế của cụ Quách Tấn - một con người luôn hướng đến những giá trị tốt đẹp.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng
Xuất bản 'Nhật ký trong tù' do Quách Tấn phỏng dịch"Nhật ký trong tù" là tác phẩm phỏng dịch lại "Ngục trung nhật ký” của Chủ tịch Hồ Chí Minh do nhà thơ Quách Tấn thực hiện. |
Đại sứ Thụy Điển: 'Việt Nam có một số nhà văn xuất chúng'Chia sẻ với Zing, Đại sứ Thụy Điển Ann Måwe cho biết nhiều sách Việt đã xuất bản tiếng Thụy Điển, bà yêu thích các tác phẩm "Tướng về hưu", "Nỗi buồn chiến tranh". |