Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintucnhatrang.com, cảm ơn !

Vụ mía ngọt

Thứ năm - 30/03/2023 16:31
Ngót 5 năm qua, người trồng cây mía đường gặp không ít khó khăn, đầu tư cho cây mía không đem lại hiệu quả cao nên nhiều nông dân không còn mặn mà. Niên vụ này đã khác, nhiều nông dân phấn khởi vì mía được mùa, được giá Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Vụ mía ngọt
Ngót 5 năm qua, người trồng cây mía đường gặp không ít khó khăn, đầu tư cho cây mía không đem lại hiệu quả cao nên nhiều nông dân không còn mặn mà. Niên vụ này đã khác, nhiều nông dân phấn khởi vì mía được mùa, được giá. Tuy nhiên, để cây mía phát triển bền vững, mang lại lợi nhuận cao hơn cho nông dân, cần có những giải pháp hiệu quả nâng cao năng suất, chất lượng.
 
Được mùa, được giá
 
Ngắm chiếc máy thu hoạch đều đặn cắt trọn từng khối mía trên cánh đồng ở khu vực suối Mơ (xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa), lão nông Huỳnh Văn Thông cho biết, năm nay, mía sinh trưởng rất tốt, năng suất đạt cao. Nhờ chủ động nước tưới, đầu tư chăm sóc nên hơn 21ha mía của gia đình đạt năng suất hơn 70 tấn/ha. Với giá thu mua gần 1,1 triệu đồng/tấn (10CCS), cao hơn so với niên vụ trước, sau khi trừ chi phí, gia đình ông lãi hơn 20 triệu đồng/ha.
 
Dẫu được mùa, nông dân trồng mía vẫn chưa thôi trăn trở.
Dẫu được mùa, nông dân trồng mía vẫn chưa thôi trăn trở.
 
Trên khắp cánh đồng bạt ngàn mía của các xã: Ninh Tây, Ninh Thân, Ninh Xuân, Ninh Tân (Ninh Hòa) cũng đang là thời điểm thu hoạch đại trà nên tấp nập những chuyến xe xuôi ngược chở mía, hàng trăm nhân công chặt mía trải đều các cánh đồng. Ông Phan Kiến Nghĩa - nông dân có hơn 70ha mía ở 2 xã Ninh Tây và Ninh Sim (Ninh Hòa) cho biết, so với năm ngoái, mía năm nay tăng khoảng 10% năng suất, 10% giá thu mua, cùng với chữ đường ổn định nên nông dân trồng mía có lãi, phổ biến hơn 20 triệu đồng/ha. Ông Cao Minh, nông dân ở xã Ninh Thượng cho biết: “Nhà tôi không có nhiều mía nên thu hoạch chỉ 1 ngày là xong. Sau đó, tôi đi chặt mía thuê trong 3 tháng qua. Do mía đạt sản lượng tốt nên chủ mía phấn khởi, trả công gần 2.000 đồng/bó 12 cây, chịu khó mỗi ngày cũng kiếm được gần 300.000 đồng công chặt mía”.

 

Bà Lâm Thị Sáu có hơn 100ha mía ở Khánh Vĩnh.
Bà Lâm Thị Sáu có hơn 100ha mía ở Khánh Vĩnh.
 
Đến thôn Suối Cá (xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh), chúng tôi bắt gặp gần 100 nhân công đang tất bật thu hoạch mía. Một số nhân công cho biết, đây là vườn mía của gia đình bà Lâm Thị Sáu, nông dân có hơn 100ha mía ở 2 xã Khánh Nam và Khánh Trung. Cứ vào vụ mía mỗi năm, người dân trong xã lại có thêm công ăn việc làm. “Bà Sáu thuê chúng tôi chặt mía, bốc mía, băm mía. Mỗi ngày bình quân cũng kiếm được hơn 200.000 đồng/người. Năm nay, mía đạt nên ngoài tiền công còn được thưởng thêm” - một nhân công hồ hởi nói. Theo bà Sáu, hơn 100ha mía của gia đình chủ yếu trồng 3 loại giống chủ lực, gồm: KK3, K95-156 và Uthong 12. Qua tính toán, tổng sản lượng niên vụ này của gia đình bà xấp xỉ 8.000 tấn. Bà bán phần lớn cho Công ty Cổ phần Đường Việt Nam (Vietsugar), một phần cho Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa (BHS-NH).
 
Hiện nay, tại các nhà máy đường, mỗi ngày có đến hàng trăm chuyến xe nối đuôi nhau ra vào nhộn nhịp. Ông Biện Tuấn An - Phó Giám đốc BHS-NH cho biết, năm nay, công ty ký hợp đồng đầu tư với nông dân Khánh Hòa 3.357ha mía. Đến nay, nông dân đã thu hoạch được hơn 2.100ha; năng suất bình quân đạt 63,1 tấn, tăng hơn 10 tấn/ha so với niên vụ trước; chữ đường tương đương năm trước, bình quân 9,97CCS.
 
Băn khoăn chữ đường
 
Bên cạnh niềm vui được mùa, nông dân trồng mía, nhất là những hộ có diện tích lớn vẫn chưa hết trăn trở. “Tôi không hiểu vì sao năm nay chữ đường thấp quá” - ông Đặng Văn Huy, người trồng mía giỏi có tiếng ở vùng Ninh Tân bắt đầu câu chuyện với chúng tôi. Trong số 30ha mía, đến nay, gia đình ông đã thu hoạch xong 23ha; năng suất khoảng 70 tấn/ha, tăng so với trước; giá thu mua 1.070.000 đồng/tấn mía 10CCS. “Tuy nhiên, gần nửa số xe mía của gia đình tôi chỉ đạt 7, 8 chữ đường. Trong cùng đám mía, thu hoạch cùng lúc, cùng chở vào nhà máy 3 xe mía, mà 1 xe đạt 9 chữ, xe được 6 chữ, xe 7 chữ. Chênh lệch đến mức thiếu hợp lý” - ông Huy nhấn mạnh.

 

Tấp nập bốc dỡ mía tại BHS-NH.
Tấp nập bốc dỡ mía tại BHS-NH.
 
Cho chúng tôi xem một số tin nhắn báo chữ đường của từng xe mía mà công ty báo về, bà Lâm Thị Sáu chia sẻ: “Mía phổ biến 7-8CCS thế này thì nông dân chúng tôi hầu như không có lời”. Rồi bà Sáu phân tích, 1 tấn mía đạt 8CCS, bán được 870.000 đồng; trong khi chi phí chặt mía, bốc xếp, vận chuyển, tăng bo gần 600.000 đồng/tấn, cộng với chi phí đầu tư cả năm qua coi như hòa vốn.
 
Về vấn đề này, ông Chu Đức Hùng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết, cuối tháng 2 vừa qua, đoàn công tác do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với một số sở, ngành, địa phương liên quan tiến hành kiểm tra, giám sát quy trình xác định chất lượng mía nguyên liệu tại BHS-NH và Vietsugar. Theo đó, tại 2 công ty, tất cả hoạt động cân mía, lấy mẫu xác định tỷ lệ xơ, chữ đường, tỷ lệ tạp chất đều thực hiện công khai, đúng quy trình đã công bố. BHS-NH đã công khai hoạt động xác định chữ đường thông qua hệ thống camera quan sát tại phòng chờ. Người dân có thể giám sát và theo dõi trực tiếp hoạt động đang diễn ra tại phòng kiểm nghiệm và khu vực cân, xác định tỷ lệ rác, kết quả kiểm chữ đường qua màn hình camera; các kết quả liên quan đến hoạt động mua bán mía được thông báo ngay cho người dân qua tin nhắn số điện thoại đã đăng ký với công ty. Còn tại Vietsugar, người dân có thể giám sát và theo dõi kết quả chữ đường tại chỗ thông qua màn hình camera hoặc theo dõi trực tuyến tại nhà qua máy tính hoặc thiết bị di động qua website: http://vietsugar.com.vn của công ty thông qua tài khoản được cung cấp.
 
Đồng thời, tại mỗi nhà máy, đoàn công tác lấy 3 mẫu nước mía ép để gửi Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Khánh Hòa để so sánh với kết quả đo chữ đường tại nhà máy. Quá trình lấy mẫu được thực hiện song song, cùng thời điểm với quá trình lấy mẫu đo chữ đường tại nhà máy. Kết quả phân tích cho thấy, cùng một mẫu, chữ đường đo được tại nhà máy cao hơn chữ đường đo được tại phòng kiểm nghiệm của trung tâm.
 
Tập trung nâng cao năng suất, chất lượng
 
Có thể thấy, ở những khu vực được đầu tư bài bản, cây mía cho năng suất cao. Tuy nhiên, điểm mấu chốt trong mối quan hệ hợp tác giữa người trồng mía và doanh nghiệp thu mua là yếu tố chữ đường vẫn chưa thật sự làm hài lòng người trồng mía. Phía BHS-NH có chính sách bảo hiểm chữ đường, những xe mía đạt dưới 9CCS sẽ được bảo hiểm là 9CCS, nhờ đó phần nào đảm bảo cho người trồng mía.
 
 
Thu hoạch mía bằng máy tại Ninh Hòa.
Thu hoạch mía bằng máy tại Ninh Hòa.
 
Theo ông Biện Tuấn An, trong niên vụ này, với những diện tích đã thu hoạch, sau khi trừ đi các chi phí mà BHS-NH đã đầu tư, chi phí thu hoạch, nông dân trồng mía đạt lợi nhuận bình quân hơn 21,1 triệu đồng/ha (niên vụ 2021 - 2022 chỉ đạt gần 10,2 triệu đồng/ha). BHS-NH cũng đã tăng cường máy móc, trong đó có 2 máy cắt mía, 10 máy bốc mía. Đồng thời, tăng cường hàng trăm lao động từ một số tỉnh lân cận nhằm hỗ trợ nông dân thu hoạch mía đảm bảo đúng thời gian, hạn chế mía nằm trên ruộng bị chậm thu hoạch, ảnh hưởng đến chất lượng. Niên vụ tới, BHS-NH tập trung tăng diện tích thu hoạch bằng máy từ 570ha hiện nay lên hơn 600ha; tăng thêm diện tích phun chế phẩm bằng drone (hiện nay đạt 2.000ha); tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ đầu tư nhằm tăng diện tích, áp dụng kỹ thuật nâng năng suất bình quân lên 65 tấn/ha.
 
Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, diện tích mía niên vụ 2022 - 2023 là 9.114ha, giảm hơn 1.000ha so với niên vụ trước. Đến nay, nông dân trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch được 3.805ha; năng suất bình quân 53,3 tấn/ha, tăng hơn 3 tấn/ha so với niên vụ trước.
Tại buổi làm việc của ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh với Vietsugar hồi đầu năm 2023, Vietsugar mong muốn tỉnh sớm quy hoạch vùng nguyên liệu, từ đó có các chính sách hỗ trợ vận chuyển, thủy lợi, giao thông vào khu sản xuất nhằm trợ lực cho nông dân trồng mía giảm thiểu chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng cây trồng. Đồng chí Lê Hữu Hoàng đề nghị công ty tiếp tục nghiên cứu, cải tiến giống mía, tăng cường đổi mới công nghệ, giảm thiểu chi phí sản xuất.
 
Theo ông Lê Bá Ninh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mía là một trong những cây trồng chủ lực, có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, những năm qua, nông dân trồng mía gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân do diện tích manh mún, khó áp dụng máy móc. Mặt khác, hạ tầng giao thông, thủy lợi chưa đồng bộ, giống mía đa phần đã thoái hóa, năng suất còn thấp, cần thay đổi. Đây cũng là những nhiệm vụ đặt ra cho ngành nông nghiệp, doanh nghiệp mía đường và nông dân trong thời gian tới nhằm cải thiện hơn nữa năng suất, chất lượng của cây trồng này, nhất là trong bối cảnh diện tích trồng mía đường đang có chiều hướng giảm như hiện nay.
 
 
Hồng Đăng
 
 
 
 
 
 
Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp