Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintucnhatrang.com, cảm ơn !

Tín dụng tăng trưởng khả quan

Thứ năm - 14/04/2022 18:48
Kinh tế dần hồi phục, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang được cải thiện giúp dòng vốn tín dụng được lưu thông hiệu quả hơn. Do đó, hoạt động tín dụng quý I/2022 đã có dấu hiệu tăng trưởng khá tốt. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Tín dụng tăng trưởng khả quan

Kinh tế dần hồi phục, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang được cải thiện giúp dòng vốn tín dụng được lưu thông hiệu quả hơn. Do đó, hoạt động tín dụng quý I/2022 đã có dấu hiệu tăng trưởng khá tốt.


Nguồn vốn huy động và dư nợ cho vay đều tăng


Quý I/2022, khi kinh tế có dấu hiệu phục hồi là tín dụng tăng trưởng trở lại. Theo thông tin từ các chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh, nhu cầu vay vốn để phục hồi sản xuất - kinh doanh trong quý I đã tăng cao hơn trước. Bà Võ Thị Thu Hương - Phó Giám đốc Vietcombank Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, tính đến ngày 31-3, dư nợ tín dụng của chi nhánh đạt 14.956 tỷ đồng, tăng 18,48% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn huy động đạt 12.775 tỷ đồng, tăng 24,03% so với cùng kỳ. Chi nhánh đã cân đối nguồn vốn để kịp thời cho vay phát triển kinh tế - xã hội nhằm hỗ trợ khách hàng phục hồi, ổn định sản xuất, kinh doanh.

 

Giao dịch của tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa.

Giao dịch của tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa.


Với việc phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp, trong quý I, BIDV Chi nhánh Khánh Hòa có dư nợ đạt 10.003 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm 2021; nguồn vốn huy động đạt 7.906 tỷ đồng, tăng 3,1% so với cuối năm 2021. VietinBank chi nhánh Khánh Hòa huy động vốn được 6.590 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch năm 2022 và tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021; dư nợ cho vay đạt 6.945 tỷ đồng, đạt 91% kế hoạch năm và tăng 0,3% so với cùng kỳ.


Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa, đến cuối tháng 3-2022, tổng vốn huy động toàn tỉnh đạt 101.800 tỷ đồng, tăng 4.632 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng 4,77% so với đầu năm, tăng 13,93% so với cùng kỳ năm 2021. Dư nợ cho vay đến cuối tháng 3 đạt 104.400 tỷ đồng, tăng 2.310 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng 2,26% so với đầu năm, tăng 7,69% so với cùng kỳ. Doanh số cho vay 3 tháng đầu năm đạt 35.237 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 12,64%.


Tập trung vốn cho phục hồi kinh tế


Ông Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, trong quý I, bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực nhờ chính sách mở cửa, chương trình phục hồi kinh tế và phát triển của Chính phủ. Nhờ đó, dòng vốn của các TCTD được lưu thông hiệu quả hơn. Các chi nhánh TCTD đã chủ động cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay sản xuất, kinh doanh; đảm bảo thanh khoản, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu tiền mặt, thanh toán của người dân, doanh nghiệp. Vốn tín dụng tập trung cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ chỉ đạo các TCTD tiếp tục tập trung vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ những doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 và hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ; đặc biệt bám sát chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để cung ứng vốn kịp thời cho phát triển kinh tế của tỉnh.


Bên cạnh ưu tiên dòng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các NH tiếp tục thực hiện hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sau khi dịch bệnh được kiểm soát thông qua cơ chế Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14 của NHNN Việt Nam về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất và giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới với lãi suất thấp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn duy trì, ổn định và phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh.

 

Đến ngày 20-3, toàn tỉnh có 40.224 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm 39% tổng dư nợ tín dụng. Trong đó, ngành tiêu dùng, kinh doanh thương mại dư nợ cho vay bị ảnh hưởng 17.057 tỷ đồng, chiếm 42,41%; ngành du lịch dư nợ bị ảnh hưởng 7.062 tỷ đồng, chiếm 17,56%... Các chi nhánh TCTD trên địa bàn đã điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ cho 5.464 khách hàng, với tổng trị giá nợ được cơ cấu 12.866 tỷ đồng; thực hiện miễn, giảm lãi, hạ lãi suất vay vốn cho 23.733 lượt khách hàng với hơn 393 tỷ đồng… Qua đó, đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm bớt áp lực trả nợ vay; giảm chi phí để duy trì ổn định sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn và phục hồi tăng trưởng.
 


MAI HOÀNG

 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp