Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintucnhatrang.com, cảm ơn !

Hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông: Cần tiếp tục quan tâm

Thứ hai - 01/08/2022 09:54
Thời gian qua, công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có những chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT vào học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng dần qua từng năm. Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân nên vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.   Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông: Cần tiếp tục quan tâm
Thời gian qua, công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có những chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT vào học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng dần qua từng năm. Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân nên vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.
 
Còn khó khăn
 
Thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông giai đoạn 2018-2025”, thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã triển khai nhiều giải pháp như: Tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về nghề nghiệp; tăng cường hướng nghiệp cho học sinh; đẩy mạnh hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; điều tiết phân luồng bằng các chính sách; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy giáo dục hướng nghiệp… Đến nay, công tác này đã có những chuyển biến tích cực hơn, tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT vào học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng dần. 
 
Tuy nhiên, so với mục tiêu đề ra, tỷ lệ này vẫn còn hạn chế, nhất là ở những địa phương có điều kiện thuận lợi. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, chỉ có khoảng 9% học sinh tốt nghiệp THCS vào học các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp (chỉ tiêu là 30%), riêng 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đạt 25%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học lên cao đẳng nghề là 24% (chỉ tiêu 40%), riêng 2 huyện miền núi đạt 29% (chỉ tiêu 30%). 
 
 
Học sinh Trường THPT Nguyễn Thiện Thuật (Nha Trang).
Học sinh Trường THPT Nguyễn Thiện Thuật (Nha Trang).
 
Theo ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, phần lớn phụ huynh học sinh đều muốn con em mình có bằng đại học. Trong khi đó, nội dung giáo dục hướng nghiệp chủ yếu căn cứ vào tài liệu của Bộ GD-ĐT, thiếu những thông tin người học cần như: Cơ sở dữ liệu về nghề nghiệp; thị trường lao động và việc làm; ngành nghề đào tạo và các cơ sở đào tạo; chính sách đối với người học và chính sách ưu đãi trong giáo dục nghề nghiệp; cơ hội khởi nghiệp... Chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương chỉ mới bước đầu triển khai ở một số bộ môn học. Bên cạnh đó, việc đào tạo của các trung tâm dạy nghề chưa đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động về kỹ năng nghề nghiệp và sự đa dạng ngành nghề. Vẫn còn không ít học sinh tốt nghiệp cơ sở giáo dục nghề nghiệp không tìm được việc làm, hoặc làm không đúng ngành nghề, trình độ được đào tạo. Ngoài ra, những hạn chế về chính sách lao động, việc làm và chính sách lương đối với người tốt nghiệp trình độ sơ cấp, trung cấp cũng dẫn đến hạn chế trong việc thu hút học sinh... 
 
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp 
 
Ông Lê Đình Thuần cho biết, để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và có sự quan tâm phối hợp của các cấp, ngành. Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường THCS, THPT tăng cường phối hợp với các cơ sở dạy nghề tổ chức hoạt động tuyên truyền như: Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp; thi tìm hiểu về nghề nghiệp; hoạt động giao lưu của học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục với các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân, trung tâm học tập cộng đồng và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp, tăng cường thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học…
 
Sở GD-ĐT đã kiến nghị Bộ GD-ĐT có cơ chế đào tạo, bồi dưỡng và biên chế giáo viên thực hiện chuyên môn sâu về công tác tư vấn, hướng nghiệp trong các nhà trường phổ thông. Đồng thời, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cung cấp thường xuyên cơ sở dữ liệu về nghề nghiệp, thị trường lao động. Đối với các trường dạy nghề, cần có kế hoạch cụ thể để nâng cao chất lượng đào tạo và liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tuyển chọn công nhân, tạo đầu ra ổn định cho người học. 
 
Hiện nay, toàn tỉnh có 119 trường THCS, 34 trường THPT, 1 trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, 1 trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp tỉnh, 3 trung tâm giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp, 4 trường đại học, 2 cơ sở đại học, 3 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp kinh tế, 7 trường trung cấp nghề, 1 trung tâm dạy nghề. 
 
Mục tiêu đề ra đến năm 2025, có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, riêng 2 huyện miền núi đạt ít nhất 30%; ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng, riêng 2 huyện miền núi đạt ít nhất 35%. 
 
H.NGÂN
 
 
 
 
 
 
Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp