Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintucnhatrang.com, cảm ơn !

Hỗ trợ cho đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid-19: Cần tháo gỡ vướng mắc

Chủ nhật - 08/08/2021 12:27
Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, ở một số nơi, việc hỗ trợ vẫn còn chậm, nhiều đối tượng chưa được thụ hưởng. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Hỗ trợ cho đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid-19: Cần tháo gỡ vướng mắc

Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, ở một số nơi, việc hỗ trợ vẫn còn chậm, nhiều đối tượng chưa được thụ hưởng.


Nhiều đối tượng chưa được nhận hỗ trợ


Ngày 7-8, xã Xuân Sơn và xã Vạn Phú (huyện Vạn Ninh) tổ chức trao tiền hỗ trợ cho đối tượng lao động tự do bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Đợt này, xã Vạn Phú hỗ trợ hơn 500 triệu đồng cho 333 người; xã Xuân Sơn hỗ trợ 87 triệu đồng cho 58 người. Ông Trần Quang Quý (thôn Phú Cang 1 Bắc, xã Vạn Phú) chia sẻ: “1 tháng nay, gia đình phải ngừng bán quán nước, không có thu nhập. Hôm nay, được nhận 1,5 triệu đồng tiền hỗ trợ, tôi rất mừng”. Còn ông Đặng Minh Đức (thôn Xuân Trang, xã Xuân Sơn) cho biết: “Do dịch, tôi phải đóng cửa quán cắt tóc từ đầu tháng 7 đến nay nên không có thu nhập. Số tiền hỗ trợ sẽ giúp gia đình tôi rất nhiều trong lúc khó khăn này”.

 

Ông Trần Quang Quý (xã Vạn Phú) nhận hỗ trợ.

Ông Trần Quang Quý (xã Vạn Phú) nhận hỗ trợ.


Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều đối tượng chưa được nhận hỗ trợ. Chẳng hạn, gia đình ông Nguyễn Vũ Thái (số 452, đường số 4, phường Phước Long, TP. Nha Trang) phải đóng cửa tiệm cắt tóc để phòng, chống dịch 1 tháng nay. Nhưng đến nay, gia đình ông chưa nhận được bất kỳ thông báo hay mẫu phiếu kê khai hỗ trợ nào. Ông Thái chia sẻ: “Tôi thuê mặt bằng giá 4 triệu đồng/tháng. Tiệm đóng cửa, chủ nhà chỉ giảm cho 1 triệu đồng, trong khi cuộc sống của cả gia đình 4 người đều trông vào đây. Tôi rất mong địa phương sớm thực hiện chính sách hỗ trợ”.


Tương tự, chị Nguyễn Phương Trinh ở tổ dân phố 1 Phước Thái (phường Phước Long) thuê lại một góc căn nhà trên đường số 4 mở quán cà phê vỉa hè cũng chưa được nhận hỗ trợ. Chị Trinh cho biết: “Vợ chồng chia tay, một mình tôi nuôi 2 con nhỏ, cuộc sống của 3 mẹ con trông nhờ vào quán cà phê cóc. Thế nhưng 1 tháng nay, quán phải đóng cửa, trong khi tiền thuê nhà không được giảm nên cuộc sống rất khó khăn. Tôi rất mong được địa phương hỗ trợ để có điều kiện lo cho các con”.


Còn khó khăn, vướng mắc


Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc triển khai Nghị quyết 68 chậm là do cán bộ cơ sở vừa phải tham gia chống dịch, vừa phải bảo đảm an sinh, phân bổ lương thực, thực phẩm cho người dân. Nhiều cán bộ thôn, tổ dân phố, cán bộ phụ trách công tác lao động - thương binh và xã hội nằm trong diện F0, F1 hoặc ở trong khu vực phong tỏa. Bên cạnh đó, các đơn vị, doanh nghiệp phải tạm hoãn làm việc để phòng, chống dịch, không thể đi lại do giãn cách xã hội nên chưa nộp hồ sơ, xác nhận đề nghị hưởng chính sách…

 

Tính đến ngày 5-8, toàn tỉnh đã nhận 30.295 hồ sơ đề nghị hỗ trợ của các lao động tự do. Các địa phương đã hỗ trợ hơn 3,5 tỷ đồng cho 2.353 người. Trong đó, 1.109 người bán vé số được Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Khánh Hòa chi trả xong; huyện Vạn Ninh đang chi trả cho 644 người; Diên Khánh chi trả cho 580 người. Các xã, phường, thị trấn đã tiếp nhận 27.942 hồ sơ đang tiến hành xét duyệt để trình cấp trên.

Mặt khác, hiện nay, ở một số địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội hơn 40 ngày, có khi phải nhiều hơn nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát. Trong khi đó, nếu chỉ thực hiện hỗ trợ cho lao động tự do tại thời điểm nhận hồ sơ thì không phù hợp với thời gian họ phải nghỉ làm. Ngoài ra, hiện nay, có rất nhiều lao động tự do như: Thợ hồ, thợ sắt, thợ nhôm - kính, thợ nề, mộc, điện nước, làm đá granite, sửa xe, giúp việc gia đình, bảo mẫu, phục vụ quán ăn không có đăng ký kinh doanh, giữ xe, tạp vụ, xe ôm công nghệ, lái tàu, thuyền, ghe, lái xe… không thuộc nhóm đối tượng được hỗ trợ theo quyết định của UBND tỉnh. Trong khi đó, nhóm đối tượng này rất nhiều và đa số rất khó khăn nên cần được bổ sung. Điều này khiến các địa phương gặp lúng túng khi khảo sát, lập danh sách ra quyết định hỗ trợ…


Ông Văn Đình Tri - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, việc triển khai chính sách hỗ trợ đợt này đã được UBND tỉnh giao trực tiếp cho các địa phương ra quyết định chi trả nhằm rút ngắn thời gian, thủ tục. Với những vướng mắc, khó khăn, sở đã kịp thời giải đáp trực tiếp, gửi văn bản hướng dẫn cho các địa phương. Đồng thời, sở liên tục nhắc nhở, đốc thúc các địa phương khẩn trương triển khai chính sách để các đối tượng sớm được thụ hưởng. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, việc thực hiện khó tránh khỏi những hạn chế nên rất mong người dân cùng chia sẻ.


PHÚ AN

 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp