Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintucnhatrang.com, cảm ơn !

Hiệu quả từ những sáng kiến trong dạy nghề

Chủ nhật - 21/08/2022 11:33
Những năm qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Khánh Hòa  đã nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả nhiều sáng kiến trong lao động. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương.   Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Hiệu quả từ những sáng kiến trong dạy nghề
Những năm qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Khánh Hòa đã nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả nhiều sáng kiến trong lao động. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương.
 
Những sáng kiến hữu ích
 
Trăn trở làm sao truyền đạt kiến thức để học sinh nắm bắt bài nhanh, sâu, hiệu quả và ứng dụng vào thực tế công việc, cô Trần Thị Thanh Hương - giáo viên Khoa Du lịch - Nghiệp vụ, Trường Trung cấp Nghề Vạn Ninh đã nghiên cứu, chế tạo và đưa vào ứng dụng “Mô hình bàn thực hành phục vụ công tác giảng dạy nghề nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn”. Qua mô hình, giúp cho học sinh củng cố phần kiến thức lý thuyết đã học, rèn luyện kỹ năng. Mô hình có tính ứng dụng cao, giúp học sinh thực hành 11 kỹ năng trải khăn bàn ăn và 8 kỹ thuật bày bàn ăn các kiểu. Bên cạnh đó, mô hình còn giúp giáo viên chủ động trong giảng dạy, phát huy năng lực vốn có của mình. Cô Trần Thị Thanh Hương chia sẻ: “Với mong muốn giúp học sinh rèn luyện kỹ năng nghề, tôi đã đưa ra sáng kiến trên để giúp các em nắm vững cả lý thuyết và thực hành. Nhà trường luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện để chúng tôi nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng nâng cao chất lượng quản lý, đào tạo nghề cho học sinh”.

 

Cô Trần Thị Thanh Hương giảng dạy cho học sinh bên “Mô hình bàn thực hành phục vụ công tác giảng dạy nghề nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn”.
Cô Trần Thị Thanh Hương giảng dạy cho học sinh bên “Mô hình bàn thực hành phục vụ công tác giảng dạy nghề nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn”.
 
Thời gian qua, việc giảng dạy các mô đun thực hành nghề công nghệ ô tô tại Trường Trung cấp Nghề Ninh Hòa còn gặp nhiều khó khăn do lượng học sinh đông, thiết bị dạy nghề còn thiếu, nhất là mô hình hệ thống phanh ô tô chưa có. Do đó, thầy Trần Bá Vinh - giáo viên bộ môn Công nghệ ô tô đã thực hiện sáng kiến “Thiết kế, chế tạo mô hình hệ thống phanh thủy lực phục vụ giảng dạy nghề công nghệ ô tô”. Sáng kiến ngay lập tức được nhà trường đưa vào giảng dạy giúp học sinh dễ hiểu và ghi nhớ sâu hơn nội dung bài học; vận dụng vào thực tiễn bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống phanh tại các xưởng ô tô. 
 
Nhận thấy tầm quan trọng và hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và dạy học, thầy Huỳnh Hào Kiệt, Khoa Kỹ thuật - Công nghệ, Trường Trung cấp Nghề Diên Khánh đã thực hiện đề tài “Thiết kế hệ thống quản lý hồ sơ đào tạo ứng dụng công nghệ 4.0”. Qua gần 1 năm triển khai sử dụng đề tài tại trường đã tạo ra nhiều thay đổi về cơ chế làm việc. Từ quá trình làm thủ công nhập liệu đã chuyển sang cơ chế “click - chọn” rút ngắn được rất nhiều thời gian cho bộ phận quản lý, việc lập kế hoạch tiến độ kiểm tra, cập nhật thông tin tiến độ đã có thể làm được tại mọi nơi, trên mọi thiết giúp người quản lý linh động trong công việc. Vấn đề quản lý và lữu trữ hồ sơ dễ dàng với độ chính xác tuyệt đối. Với giáo viên, việc quản lý thông tin lớp học thông qua sổ đầu bài online giúp thống kê nhanh kết quả rèn luyện của từng lớp, kiểm soát được học sinh vắng để kịp thời làm việc với phụ huynh. Đề tài góp phần thực hiện công tác chuyển đổi số tại trường…
 
Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sáng tạo
 
Ông Nguyễn Xuân Tạo - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Diên Khánh cho biết, những năm gần đây, trường luôn quan tâm triển khai công tác nghiên cứu, phát huy những sáng kiến của đội ngũ cán bộ, giáo viên. Trường đã thành lập Hội đồng sáng kiến và tạo mọi điều kiện để đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh thỏa sức tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực. Nhờ đó, trung bình mỗi năm, nhà trường có từ 5 đến 10 đề tài, sáng kiến của cán bộ, nhân viên, giáo viên, học sinh. Các đề tài, sáng kiến tập trung chủ yếu ở việc sáng chế các mô hình đào tạo, công tác quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Mỗi đề tài, sáng kiến được nghiên cứu, đánh giá và áp dụng vào thực tiễn của trường góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng đào tạo, tay nghề, kỹ năng cho người học. Chính vì vậy, nhà trường sẽ không ngừng đẩy mạnh các phong trào thi đua, nhất là phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phát huy năng lực nghiên cứu, sáng tạo của người lao động.
 
Ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, công tác thi đua, nghiên cứu, sáng tạo ở 8 cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc sở quản lý được triển khai đồng bộ và đem lại hiệu quả cao. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2022, sở đã tiếp nhận, thẩm định 16 đề tài, sáng kiến của các trường nghề. Qua đó, đã công nhận 12 sáng kiến đạt chất lượng cao, có tầm ảnh hưởng và được áp dụng vào thực tiễn ở mỗi trường, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề, công tác quản lý. Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 31%; giai đoạn 2026 - 2030, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 90%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40%. Để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, ngoài việc triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, các trường nghề cần đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu, sáng tạo. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình chuyển đổi số ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; do đó các trường nghề cần đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng ở lĩnh vực này, nhằm tạo sự chuyển mạnh mẽ, đạt hiệu quả cao...
 
VĂN GIANG
 
Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp