Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintucnhatrang.com, cảm ơn !

Đề xuất hội thẩm nhân dân mặc áo choàng khi xét xử

Chủ nhật - 05/12/2021 11:52
Dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trang phục xét xử của hội thẩm nhân dân theo hướng mặc áo choàng, thay vì mặc áo sơ mi trắng, quần âu đang được lấy ý kiến và bước đầu nhận được sự đồng thuận cao. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Đề xuất hội thẩm nhân dân mặc áo choàng khi xét xử

Dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trang phục xét xử của hội thẩm nhân dân theo hướng mặc áo choàng, thay vì mặc áo sơ mi trắng, quần âu đang được lấy ý kiến và bước đầu nhận được sự đồng thuận cao.


Theo dự thảo nghị quyết, hội thẩm nhân dân được cấp trang phục xét xử gồm áo choàng dài tay và phù hiệu 5 năm/lần. Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao quy định kiểu dáng, chất liệu, màu sắc trang phục và hướng dẫn cấp phát, quản lý, sử dụng trang phục xét xử cho hội thẩm nhân dân. Mẫu trang phục xét xử của hội thẩm nhân dân có màu đen chủ đạo, phối nẹp, bác tay, cầu vai màu xanh dương, viền lé màu trắng. Biển phù hiệu của hội thẩm nhân dân đeo ở ngực trái, giống phù hiệu của thẩm phán. Trang phục của hội thẩm quân nhân giữ nguyên theo quy định của Bộ Quốc phòng. Như vậy, nếu nghị quyết được thông qua, hội đồng xét xử sơ thẩm (gồm thẩm phán và hội thẩm nhân dân) đều mặc áo choàng khi xét xử.

 

Hội đồng xét xử dân sự sơ thẩm (hàng trên) tại Tòa án nhân dân tỉnh ngày 3-12-2021.

Hội đồng xét xử dân sự sơ thẩm (hàng trên) tại Tòa án nhân dân tỉnh ngày 3-12-2021.


Trước đây, theo Nghị quyết số 221/2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trang phục xét xử của thẩm phán, hội thẩm nhân dân giống nhau. Đến giữa năm 2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết 1214/2016 thí điểm trang phục xét xử của thẩm phán là áo choàng đen, viền các màu theo các ngạch thẩm phán. Từ năm 2018, trang phục xét xử của thẩm phán toàn quốc thống nhất như trên; trang phục của hội thẩm nhân dân vẫn giữ là quần âu đen, áo sơ mi trắng (xuân - hè); comple, áo sơ mi trắng dài tay (thu - đông).


Theo đánh giá của TAND Tối cao, trang phục của hội thẩm nhân dân hiện nay chưa thể hiện tính đặc trưng, khác biệt với trang phục của các nhân viên cơ quan, cũng không thống nhất với trang phục xét xử của thẩm phán. Trong khi đó, hội thẩm nhân dân tham gia xét xử mang đến quan niệm đạo đức chung của xã hội, sự nhận xét, đánh giá của nhân dân về hành vi phạm tội, tính chất của các tranh chấp theo quan niệm chung về lẽ phải, sự công bằng..., góp phần xác định sự thật khách quan của vụ án; làm tăng thêm niềm tin cá nhân của thẩm phán để đưa ra phán quyết thấu tình đạt lý, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cá nhân, tổ chức, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội.


Ông Nguyễn Xuân Hà - Trưởng đoàn hội thẩm nhân dân TAND tỉnh cho biết, dự thảo về cơ bản phù hợp với yêu cầu thực tiễn và góp phần làm tăng tính trang nghiêm của phiên tòa. Ông mong khi nghị quyết được ban hành, cùng với áo choàng, các trang phục kèm theo của hội thẩm nhân dân như: áo sơ mi, quần âu, giày… sẽ tạo hình ảnh trang phục chỉn chu của hội đồng xét xử. Bà Nguyễn Thị Lý, hội thẩm nhân dân TAND TP. Nha Trang đề xuất, do trang phục được cấp phát 5 năm/lần nên áo choàng của hội thẩm nhân dân cần chất liệu vải tốt và phù hợp với thời tiết vùng miền. Ở khu vực phía nam, thời tiết thường nóng bức, có vụ án phải xét xử nhiều ngày nên chất liệu vải áo choàng cần thoáng mát.

 

Nhiệm kỳ 2021-2026, Khánh Hòa có 238 hội thẩm nhân dân TAND 2 cấp tỉnh. Các vị hội thẩm nhân dân đều được cấp trang phục, giấy chứng minh hội thẩm để làm nhiệm vụ xét xử theo quy định.

Luật sư Đặng Văn Pháo - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh cũng bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ dự thảo và cho biết: “Theo quy định tại Điều 8, Điều 9 và Điều 10 Luật Tổ chức TAND, khi xét xử, thẩm phán, hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. TAND xét xử tập thể và quyết định theo đa số. Hội thẩm nhân dân ngang quyền với thẩm phán khi biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của hội đồng xét xử. Tuy nhiên, trang phục hiện hành của hội thẩm nhân dân chưa tạo ra sự đồng bộ với trang phục của thẩm phán khi xét xử. Một hội đồng xét xử sơ thẩm 3 thành viên (1 thẩm phán, 2 hội thẩm nhân dân) hoặc 5 thành viên (2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân) cùng mặc áo choàng sẽ góp phần tạo ra sự đồng bộ, thống nhất trong tổ chức phiên tòa, tránh phân biệt vai trò giữa thẩm phán và hội thẩm nhân dân khi xét xử, góp phần bảo đảm tính trang nghiêm, chuyên nghiệp của phiên tòa và tạo hình tượng đặc trưng của cơ quan thực hiện quyền tư pháp”.


Ngày 25-11, TAND tỉnh đã có văn bản tổng hợp ý kiến của các đơn vị, các đoàn hội thẩm TAND 2 cấp tỉnh, gửi TAND Tối cao theo hướng thống nhất hoàn toàn với dự thảo nghị quyết.


NGUYỄN VŨ

 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp