Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintucnhatrang.com, cảm ơn !

Mẹ ra đồng mẹ bắt con cua

Thứ ba - 02/11/2021 13:55
Mẹ là một người phụ nữ vĩ đại - Kim nói thế, còn bạn bè của mẹ bảo rằng mẹ là một osin vĩ đại. Một osin không lương, lại chăm chỉ nhất thế giới.   Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Mẹ là một người phụ nữ vĩ đại - Kim nói thế, còn bạn bè của mẹ bảo rằng mẹ là một osin vĩ đại. Một osin không lương, lại chăm chỉ nhất thế giới.
 
Mẹ là phụ nữ nhà quê trăm phần trăm. Cái làng quê có nhiều ruộng lúa, vào mùa lúa chín thì vàng cả tận chân trời, mùa lên mạ thì một màu xanh rờn đến tận cuối dãy núi có những đám mây bay lơ đãng đẹp như tranh vẽ. Tất nhiên là Kim cũng sinh ra và lớn lên bên những cánh đồng lúa đổi màu theo mùa ấy, và Kim được nuôi nấng tử tế bởi bà mẹ quê hàng ngày chăm sóc ruộng lúa, trồng thêm mấy vạt rau, đem ra chợ bán. Kim bảo: “Khi nào con làm ra tiền, con nuôi mẹ, mẹ khỏi cực khổ nữa”. Khi đó, ba Kim mới húng hắng ho: “Vậy không nuôi ba phải không?”. Kim tía lia: “Dạ, con nuôi ba luôn”. Ừ, khi còn ở với ba mẹ, đứa con nào cũng hứa sẽ lo cho ba mẹ khi nó vào đời, nhưng cuộc sống không đơn giản như một lời nói, biết bao lo toan mẹ phải nhúng tay vào.
 
Kim học giỏi, đẹp gái và thông minh. Ra trường, Kim làm việc ở một công ty đầu tư xây dựng và sau đó lấy chồng là một anh kỹ sư mà cả hai vẫn thường gặp nhau ở công trường. Lấy chồng rồi ở luôn nhà chồng, tính ra cũng chỉ có hơn 30 cây số, cũng không xa nhà mẹ lắm. Kim thích ăn món canh cua đồng mẹ nấu. Mỗi khi ở nhà, muốn nấu món canh cua đồng mẹ lại xách cái giỏ lát đi ra đồng để bắt cua. Mà bắt cua đồng thì phải khi trời bắt đầu tối hoặc mặt trời chưa mọc, khi đó cua bắt đầu bò ra khỏi hang, men theo bờ ruộng lúa kiếm ăn. Mẹ bắt cua rất giỏi, chỉ cần đeo bao tay, cái đèn pin đeo trước trán và có thêm cái cây sắt móc cua. Chỉ cần mấy con cua đang bò, bị chói ánh sáng đèn rục rịch chạy trốn là y như rằng không thoát khỏi tay mẹ.
 
Xưa, món canh cua đồng là món nhà nghèo, nay thành món của nhà giàu. Ở nhà có trồng sẵn cả vạt rau đay, có giậu mùng tơi, bắt cua về mẹ chỉ chế biến là cả nhà có tô canh ăn rất ngon. Nhưng đó là hồi xưa, chứ từ ngày lấy chồng về phố, Kim chẳng được ăn món canh cua đồng mẹ nấu. Dẫu ra tiệm vẫn có đó, nhưng họ nấu bằng con cua nuôi, thêm trứng và gia vị khác, ăn chẳng giống tô canh cua đồng mẹ nấu.
 
Kim mang bầu, ốm nghén nên thèm canh cua đồng mẹ nấu, mà phải là mấy con cua mẹ tự đi bắt ở ruộng lúa. Bây giờ người ta bỏ thuốc trừ sâu, mấy con cua cũng trốn đi mất, mẹ phải ra đồng từ tờ mờ sáng để đi bắt cua về giã ra nấu canh cua cho con gái. Bát canh cua nóng hổi, bỏ trong bình thủy ủ nóng, mẹ leo lên xe đò vượt 30 cây số vì con gái thích ăn. Con nhỏ khéo nịnh, vừa ăn vừa nói giọng ngọt ngào: “Mẹ ơi, mẹ nấu canh cua đồng ngon nhất thế gian đó mẹ”. Nghĩ cũng lạ, thấy con gái ăn hết là mẹ vui.
 
Con gái sinh con. Nó gọi điện bảo mẹ xuống ở với con nha mẹ, con sắp sinh rồi. Dù gì nó cũng là con gái đầu, lại lần đầu sinh nở, theo tục thì về nhà mẹ mà sinh, nhưng nhà mẹ là nhà quê, làm sao đầy đủ tiện nghi bằng ở phố, thế là mẹ lại sắp xếp đi. Ba thở dài: “Bà đi làm osin đó à?”. Mẹ húng hắng ho: “Ông ở nhà nhớ kêu mấy đứa chăm sóc vườn rau, tôi đi chừng nó đầy tháng tôi về”.
 
Ngày Kim sinh, mẹ gọi xe chở đến bệnh viện. Cái bệnh viện gì gọi là tiêu chuẩn, phòng riêng và đầy đủ tiện nghi. Mẹ lo đủ mọi thứ cho con gái, còn nó thì lúc nào cũng nhõng nhẽo. Bệnh viện bố trí riêng một chiếc nôi cho bé, có vòng đeo tay nhận dạng. Mẹ ngó quanh quất rồi hỏi số tiền phải trả, rồi mẹ lắc đầu. Hồi sinh Kim, mẹ tới cái bệnh viện nhỏ, làm gì đầy đủ tiện nghi như vầy? Mẹ mỉm cười, nhưng Kim thông minh, giỏi giang, chỉ có trán dô ra lì lợm. Rồi từ đó, mẹ thành osin hơn tất cả các osin trên thế giới để chăm sóc cho con gái và cháu trai.
 
Nó ỷ mẹ thương nó, nên hễ con khóc là gọi: “Mẹ ơi, sao nó không chịu ngủ?”. Nó cũng chẳng chịu cho con bú sữa mẹ, mua loại sữa gì mấy trăm nghàn đồng một hộp. Nó dặn mẹ đi chợ phải mua thứ này thứ kia, chế biến cho nó ăn. Nó nói: “Thời buổi này mẹ bỉm sữa chỉ cần ăn đủ chất chứ không phải ăn đu đủ nấu giò heo nhen mẹ. Mà con đâu có cho con bú nên mẹ đừng nấu món đó”. Mẹ có khi phải dỗ cháu cho con gái ngủ, mẹ giặt đồ, đi chợ, lau nhà, nói chung là con gái sinh nở nhưng mọi việc có mẹ lo. Vậy mà đôi khi nó còn nhăn nhó, như thể mẹ là người làm, nếu không thương con thương cháu thì mẹ đã khăn gói leo lên xe về lại nhà. Cũng lạ, thằng cháu ngoại như quen hơi bà, đang khóc mà bà ẵm là cười toe, còn ngọ nguậy cái tay tỏ vẻ vui mừng. Cứ nhìn cháu là mẹ quên cơn giận.
 
“Con về nhà mẹ ở một tháng nha mẹ”, Kim nói với mẹ rồi bảo chồng chuẩn bị xe riêng, cùng mẹ về nhà. Nó ngồi phía trước, soi gương trang điểm, còn mẹ ngồi phía sau chăm cháu. Nó còn nói vọng: “Lớn lên, con nhớ theo bà ngoại trả hiếu nghe con”. Về nhà, lo phòng ốc xong, Kim ra vườn. Mùa này những cây bưởi đang ra hoa, thơm ngát cả căn nhà. Mùa này, cánh đồng đang óng vàng mùa lúa chín, mùi lúa chín cũng thơm dịu. Kim dỗ con ngủ, thằng bé ngủ trong mùi hương bưởi và mùi lúa chín. Kim đến bên mẹ, lấy tay bóp vai mẹ. Mẹ hiểu ý: “Con đang xin cái gì phải không?”. Kim cười: “Mẹ ơi, mai mẹ nấu canh cua đồng nghe mẹ”. Sáng mai chắc mẹ lại ra đồng bắt cua để nấu canh cua đồng cho con gái.
 
Khuê Việt Trường
Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp