Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintucnhatrang.com, cảm ơn !

Khi thơ nhạc se duyên

Thứ ba - 23/11/2021 10:34
Thơ và nhạc thường gắn kết với nhau với tất cả sự chắt chiu thuần khiết, trong sáng cũng như cháy bỏng của tình yêu, vì thế sản phẩm kết tinh luôn long lanh tràn đầy cảm xúc. Hai tác phẩm nổi tiếng: "Em vẫn đợi anh về" và "Chia tay hoàng hôn" có những nhân duyên kỳ lạ của thơ và nhạc mà hiếm bản nhạc nào có được. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Khi thơ nhạc se duyên

Thơ và nhạc thường gắn kết với nhau với tất cả sự chắt chiu thuần khiết, trong sáng cũng như cháy bỏng của tình yêu, vì thế sản phẩm kết tinh luôn long lanh tràn đầy cảm xúc. Hai tác phẩm nổi tiếng: “Em vẫn đợi anh về” và “Chia tay hoàng hôn” có những nhân duyên kỳ lạ của thơ và nhạc mà hiếm bản nhạc nào có được.

 

Vào những năm 1979 -1980 có bản nhạc vang lên  khiến công chúng vừa ngỡ ngàng vừa xúc động có tên “Em vẫn đợi anh về” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ thơ Lê Giang. Ngỡ ngàng vì phong cách sáng tác của Hoàng Hiệp khác lạ so với những năm trước đó, đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ với các bản nhạc hào hùng nổi tiếng như: “Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây” (phổ thơ Phạm Tiến Duật), “Ngọn đèn đứng gác” (thơ Chính Hữu), “Lá đỏ” (thơ Nguyễn Đình Thi), “Cô gái vót chông”…, vậy mà nay có bài hát mềm mại, tràn đầy cảm xúc của người phụ nữ suy nghĩ, ước mơ và khát khao tình yêu đón người yêu từ mặt trận trở về: “Năm tháng đội mưa rừng/Ngày đêm vùi sương núi/Em vẫn chờ vẫn đợi/Vẫn đợi anh về…”. Cũng xin nhắc lại, đây là thời điểm nước ta vừa bước qua cuộc kháng chiến 30 năm đầy gian khổ nhưng chưa bình yên vì cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam và phía Bắc lại bùng nổ. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp kể rằng đây chính là một kỷ niệm vô cùng sâu sắc của mình về một người phụ nữ nén đau thương, tình cảm và khát khao với người chồng ra trận, chị vẫn “thản nhiên làm việc và sống” khiến ông - người hàng xóm quen - rất ngạc nhiên trước ý chí sắt đá của chị. Để trả lời câu hỏi của nhạc sĩ rằng mình có “đau khổ, nhớ thương và khát khao” về tình yêu chồng vợ không, người phụ nữ đó đã cho ông thấy chiếc chiếu bên giường của mình có vô số những vết răng cắn vào đó. Đó là những đêm dài trông đợi nhớ thương chồng. Nhạc sĩ sững sờ trào nước mắt.

 

 

Kỷ niệm đó ám ảnh ông suốt hơn 10 năm sau đó cho đến khi cầm trên tay bài thơ của người bạn văn nghệ - nhà thơ Lê Giang thì kỷ niệm về người phụ nữ năm xưa ở Hà Đông tràn về và ông phổ ngay bài thơ với phong cách vô cùng tình cảm chứa chan: “Đợi phút giây bình yên/ Chờ đạn bom ráo tạnh/ Để được ngồi bên anh/ Để được yêu được giận/ Để được hờn được ghen/ Để vui và ưu phiền/ Để làm chồng làm vợ” ... Nhà thơ Lê Giang sáng tác bài thơ này cùng thời điểm chiến tranh biên giới Tây Nam, đó là sự thổn thức về những năm tháng chiến tranh trước đó mà bà đã trải qua, nay tái hiện và sẽ có rất nhiều người phụ nữ lại “đợi anh về”. Có nhiều người lầm tưởng bài thơ dịch theo ý bài thơ nổi tiếng của Konstantin Simonov “Đợi anh về”, nhưng đây hoàn toàn do Lê Giang cảm hứng sáng tác trong thời điểm giao thời giữa quá khứ - hiện tại của chiến tranh.


Nhạc sĩ Thuận Yến khi nói về bài hát “Chia tay hoàng hôn”  rất xúc động. Đó chính là kỷ niệm của cá nhân ông với người vợ thân yêu - nghệ sĩ Thanh Hương. Đó là những năm 1967-1968, cả hai vợ chồng ông đều hoạt động ở mặt trận Thừa Thiên gian khổ. Sau bao ngày tháng xa cách, họ gặp nhau nhưng rồi sau đó phải “chia tay hoàng hôn”, Thuận Yến ở lại chiến trường, vợ ông về hậu phương… Hình ảnh chàng nhạc sĩ trẻ chia tay người vợ trẻ trong hoàng hôn khói lửa thực sự xúc động. Rồi như chuyện cổ tích, sau chiến tranh họ đoàn tụ với nhau.


Bài hát “Chia tay hoàng hôn” với Thuận Yến còn là nhân duyên với bài thơ của nhà thơ tận Long An có tên Hoài Vũ. Bài thơ gốc có tên: “Hoàng hôn lặng lẽ”. Hoài Vũ kể lại, đây là bài thơ ông cảm hứng về những năm tháng chiến tranh gian khổ, đặc biệt trong Tết Mậu Thân 1968. Ông tham gia chiến đấu, chứng kiến những cuộc chiến gian khổ ở Sài Gòn, Long An, Tháp Mười… Không chỉ làm bài thơ này, ông còn viết bút ký “Thư Tân Sơn Nhất” và chính nhà thơ Lê Anh Xuân đã cảm hứng sáng tác bài thơ lừng lẫy “Dáng đứng Việt Nam”.  “Hoàng hôn lặng lẽ” có những câu thơ rất xúc động được Hoài Vũ chắt từ tâm hồn, tình cảm và cuộc sống của chính mình.


Có thể thấy, nhà thơ Hoài Vũ và nhạc sĩ Thuận Yến đều có những kỷ niệm chứa chan thấm đẫm yêu thương và khát vọng, nên khi đọc bài thơ, Thuận Yến đã reo lên: “Đây là bài thơ viết dành cho tôi đây, bao năm nay tôi đang mong chờ để dành tặng cho vợ và con gái!” và không ai hát bài này hơn ca sĩ Thanh Lam, con gái ông.


Dương Trang Hương

 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp