Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintucnhatrang.com, cảm ơn !

Để di sản văn hóa trở thành tài sản

Thứ ba - 16/11/2021 13:21
Kho tàng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh tương đối phong phú, đa dạng. Nếu được đầu tư tu bổ, phát huy đúng tầm, đó sẽ là nguồn lực rất lớn tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Để di sản văn hóa trở thành tài sản

Kho tàng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh tương đối phong phú, đa dạng. Nếu được đầu tư tu bổ, phát huy đúng tầm, đó sẽ là nguồn lực rất lớn tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội.


Quan tâm bảo tồn, tu bổ


Nhiều năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền và nhân dân. Năm 2021, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án tu bổ di tích Phủ đường Ninh Hòa với kinh phí hơn 3,4 tỷ đồng. Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức thành công hội thảo khoa học Thực hành nghi lễ, tín ngưỡng thờ Mẫu Thiên Y A Na ở Khánh Hòa. Sở cũng đã triển khai kiểm kê trang phục truyền thống 3 dân tộc thiểu số Raglai, Êđê, T’rin tại 6 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; tiếp tục thực hiện các nội dung của đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi Khánh Hòa; hướng dẫn hồ sơ xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận… 

 

Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi dân gian được quan tâm, bảo tồn. Ảnh minh họa.

Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi dân gian được quan tâm, bảo tồn. Ảnh minh họa.

 
UBND tỉnh cũng đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch, dự án liên quan và mang lại hiệu quả thiết thực như: Đề án Quy hoạch phát triển ngành Văn hóa tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011 - 2020; kế hoạch trang bị nhạc cụ mã la cho 85 thôn, tổ dân phố có đồng bào dân tộc Raglai sinh sống; dự án Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể lễ hội Cầu ngư; kế hoạch khảo sát, nghiên cứu, biên soạn tài liệu hướng dẫn thực hành nghi lễ tại các đình làng Khánh Hòa; kế hoạch Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi…

 
Từ năm 2017 đến 2022, Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng kế hoạch tu bổ, chống xuống cấp hơn 60 di tích. Sở đang tiến hành các khâu để nâng cấp đường vào khu mộ bác sĩ A.Yersin; xây dựng bia lưu niệm sự kiện Tết Mậu Thân 1968; khảo sát và lập hồ sơ xếp hạng di tích Địa điểm lưu niệm Ninh Mã (huyện Vạn Ninh); hoàn thiện hồ sơ di tích Địa điểm lưu niệm tàu C235 (thị xã Ninh Hòa); tham mưu đề xuất dự án tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia Thành cổ Diên Khánh; triển khai xây dựng bia về lịch sử đình Tuần Lễ (huyện Vạn Ninh); xuất bản tập sách Tín ngưỡng thờ Mẫu Thiên Y A Na ở Khánh Hòa…


Phát huy hiệu quả di sản

 

Ông Nguyễn Tuấn Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh: Đến nay, toàn tỉnh có 16 di tích xếp hạng quốc gia, 176 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 56 di tích được đưa vào danh mục kiểm kê di tích của tỉnh, 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đặc biệt, Khánh Hòa là một trong những địa phương có nghệ thuật bài chòi vinh dự được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo ông Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, công tác tuyên truyền, giáo dục về di tích, di sản luôn được ngành chú trọng thực hiện. Thông qua đó, các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh thiếu niên hiểu rõ giá trị di sản văn hóa mình đang nắm giữ. Từ năm 2017, Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức hội thi Tìm hiểu di sản văn hóa ở quy mô từ cấp huyện đến cấp tỉnh dành cho học sinh cấp THCS. Một số di tích lịch sử cách mạng đã trở thành địa chỉ đỏ trong công tác giáo dục cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và học sinh như: Địa điểm lưu niệm tàu C235; căn cứ cách mạng Đồng Bò; các căn cứ địa Hòn Hèo, Đá Bàn, Hòn Dù, Hòn Dữ, Tô Hạp... Việc tổ chức các lễ hội truyền thống hàng năm như: Lễ hội Tháp Bà Ponagar, Am Chúa, lễ giỗ tổ Hùng Vương vừa trang nghiêm, vừa chấp hành đúng các quy định.


Việc phát huy giá trị di sản văn hóa còn thể hiện ở sự gắn kết với hoạt động du lịch, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Từ năm 2015 đến nay, di tích Tháp Bà Ponagar và danh thắng Hòn Chồng đã thu hút khoảng 15 triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Nguồn thu từ phí tham quan các địa điểm du lịch trên đã được sử dụng để đầu tư tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp đối với các di tích trên địa bàn tỉnh, thực hiện các hoạt động giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa. “Thời gian tới, ngành tập trung nghiên cứu, nhận diện, làm rõ giá trị các di sản văn hóa có trên địa bàn; tổ chức thực hiện tốt các giải pháp huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của tỉnh; thực hiện tốt công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, chú trọng giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, gắn kết với du lịch; tăng cường quản lý, hướng dẫn tổ chức các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với văn hóa truyền thống của địa phương như lễ hội, di tích, tín ngưỡng, nhân vật lịch sử”, ông Hà cho biết.


Giang Đình

 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp