Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintucnhatrang.com, cảm ơn !

Ca sĩ Nguyễn Hải và ký ức về đoàn Hải Đăng một thời

Thứ sáu - 27/05/2022 14:22
Thật tình cờ, chúng tôi được biết ca sĩ Nguyễn Hải - nguyên Trưởng đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng (đoàn Hải Đăng) nổi tiếng làng ca nhạc cả nước thập niên 90 về thăm quê hương Nha Trang. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ca sĩ để hồi tưởng về những năm tháng sôi nổi của đoàn Hải Đăng với những giọng ca nổi tiếng một thời: Ánh Tuyết, Anh Đào, Ngọc Thúy, Mỹ Hạnh… Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Ca sĩ Nguyễn Hải và ký ức về đoàn Hải Đăng một thời

Thật tình cờ, chúng tôi được biết ca sĩ Nguyễn Hải - nguyên Trưởng đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng (đoàn Hải Đăng) nổi tiếng làng ca nhạc cả nước thập niên 90 về thăm quê hương Nha Trang. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ca sĩ để hồi tưởng về những năm tháng sôi nổi của đoàn Hải Đăng với những giọng ca nổi tiếng một thời: Ánh Tuyết, Anh Đào, Ngọc Thúy, Mỹ Hạnh…

 

 

- Ông nghĩ sao về thời kỳ vàng son của đoàn Hải Đăng, dư âm đến hôm nay vẫn còn lưu luyến?

- Câu hỏi này rất nhiều người đã hỏi, bởi trong lịch sử âm nhạc hiện đại chưa có đoàn ca nhạc nhẹ nào thuộc “tỉnh lẻ” như Hải Đăng lại nổi tiếng thành hiện tượng như thế với nhiều thành tích rực rỡ: liên tục đạt huy chương vàng các kỳ liên hoan ca nhạc toàn quốc; đi biểu diễn khắp trong, ngoài nước suốt nhiều năm; có những ca sĩ ngôi sao được khán giả cả nước biết đến và hâm mộ… Với tư cách là người nghệ sĩ đi cùng với đoàn một chặng đường, tôi có thể nói rằng, đoàn Hải Đăng đạt được những thành tựu như thế nhờ sự quan tâm lớn lao của lãnh đạo tỉnh Phú Khánh trước đó và tiếp nối là tỉnh Khánh Hòa. Cùng với đó, đoàn đã có bước đi mang tính cách mạng trong nghệ thuật biểu diễn thời điểm đó; đội ngũ nghệ sĩ có nhiều ngôi sao trẻ; được các nhạc sĩ nổi tiếng trong cả nước giúp sức tạo dựng tên tuổi cho đoàn.


- Ông có nhắc đến bước đi táo bạo trong nghệ thuật trình diễn của đoàn Hải Đăng, vậy cụ thể ra sao?


 - Ban đầu, đoàn Hải Đăng có xu hướng tạp kỹ vì có biểu diễn ảo thuật, hài…, nhưng sau đó đoàn xác định thế mạnh của mình phải là nhạc nhẹ, bởi khi đó Hà Nội có Đoàn Ca nhạc Trung ương, TP. Hồ Chí Minh có Đoàn Ca múa nhạc Bông Sen, chưa có tỉnh nào xây dựng đoàn ca nhạc nhẹ cả. Vì thế, khi xây dựng mô hình đoàn ca nhạc, Hải Đăng đã chiêu sinh các tài năng ca nhạc như Ánh Tuyết ở Huế; xây dựng từ những tài năng của tỉnh như: Anh Đào, Ngọc Thúy, Mỹ Hạnh cùng nhiều ca sĩ khác. Riêng dàn nhạc thì lần đầu tiên có các nhạc công ấn tượng: guitar Quang Huy, guitar bass  Kim Nguyệt rất cá tính, organ Ngọc Hương. Đoàn xây dựng dàn nhạc bán cổ điển với 4 người chơi kèn, 2 người chơi trumpet, 6 người chơi violin, 2 người chơi organ, cùng với nhạc công truyền thống, vì thế có thể trình tấu những chương trình rất đa sắc mà mãi sau này nhiều ban nhạc mới thực hiện. Mỗi khi diễn ra chương trình, khi ban nhạc nổi lên, khán giả rất phấn chấn. Hồi đó tất cả đều chơi nhạc sống chứ không thu âm hay hát nhép như bây giờ nên các nghệ sĩ và công chúng vô cùng hứng khởi.


- Đoàn Hải Đăng trong suốt thời đỉnh cao có sự giúp sức của rất nhiều nhạc sĩ nổi tiếng trong nước? Ông có thể chia sẻ về vấn đề này?


- Nhạc sĩ đầu tiên có công lớn với đoàn Hải Đăng chính là Thanh Tùng. Ông sinh ra ở Nha Trang, lại được học âm nhạc bác học bài bản ở Triều Tiên, có tư duy âm nhạc hiện đại nên làm “giám đốc âm nhạc” cho đoàn Hải Đăng. Nhạc sĩ Thanh Tùng phối khí từng tác phẩm cho tới cả chương trình tổng thể nên đoàn Hải Đăng có nét riêng vô cùng hiện đại. Chưa kể những ca khúc ông sáng tác riêng cho các ca sĩ Ngọc Thúy, Mỹ Hạnh như: Mưa ngâu, Phố biển, Giọt nắng bên thềm… đều trở thành top hit. Rồi các nhạc sĩ: Phú Quang,  Trịnh Công Sơn, Từ Huy, Tôn Thất Lập, Phó Đức Phương, Phạm Minh Tuấn đã tới Nha Trang sáng tác cho các ca sĩ của đoàn biểu diễn. Có thể kể đến các ca khúc: Sóng về đâu, Nha Trang thu, Biển hẹn Nha Trang, Đá Bàn mùa xuân… Cũng phải nhắc đến sự đóng góp của các nhạc sĩ trong tỉnh như: Hình Phước Long với ca khúc Gần lắm Trường Sa, Hình Phước Liên với Gặp anh trên đảo Sinh Tồn, Bằng Linh với Tiếng đàn đá Khánh Sơn… Vì thế, đoàn Hải Đăng đã được công chúng trong nước và quốc tế đón nhận nồng nhiệt.


- Ông đã có thời gian làm Trưởng đoàn Hải Đăng tới 10 năm. Điều gì đã khiến ông đến và gắn bó với đoàn?  


- Cảm ơn mọi người còn nhớ đến Nguyễn Hải dù tôi đã rời xa đoàn Hải Đăng 25 năm. Đoàn Hải Đăng có nhiều nữ ca sĩ nổi tiếng như: Ánh Tuyết, Anh Đào, Ngọc Thúy, Mỹ Hạnh, Ngọc Liên, Bách Thảo, Kim Nguyệt, Khánh Phương, Thanh Trúc… nhưng ca sĩ nam thì hơi ít, chỉ có tôi, Thanh Nam, Tôn Thất Kỳ, sau này có Long Nhật. Tôi đến với đoàn Hải Đăng từ ca sĩ phong trào, bởi tôi vốn là thầy giáo, qua hội diễn văn nghệ, năm 1978, đoàn Hải Đăng đã mời tôi tham gia. Khi là ca sĩ của đoàn, tôi theo học Nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi nhiều năm, rồi làm Trưởng đoàn 10 năm. Đến năm 1997, vì việc riêng, tôi định cư ở Canada cho đến nay.


Nhiều người hay nhắc đến tôi qua những bản nhạc song ca cùng Ánh Tuyết - Gặp anh trên đảo Sinh Tồn, với Nhật Linh - Gửi em ở cuối sông Hồng, hay những bản đơn ca: Biển hẹn Nha Trang, Viếng lăng Bác… Dù xa đoàn Hải Đăng đã lâu nhưng tôi vẫn gặp gỡ thế hệ văn nghệ sĩ đã một thời làm nên tên tuổi của đoàn Hải Đăng.


- Xin cảm ơn ông!


Dương Trang Hương (Thực hiện)

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp