Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintucnhatrang.com, cảm ơn !

Chuyên gia: Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn bị coi là 'con nuôi'

Thứ năm - 21/04/2022 07:16
Chính sách, pháp luật về kinh doanh bất động sản du lịch chưa đầy đủ, thống nhất đang gây lúng túng cho công tác quản lý và hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Chuyên gia: Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn bị coi là 'con nuôi'

Tại tọa đàm "Điểm nghẽn pháp lý và giải pháp khơi thông nguồn lực bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Việt Nam" do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức chiều 21/4, ông Bùi Văn Doanh - Viện trưởng Viện nghiên cứu bất động sản Việt Nam - thừa nhận vấn đề pháp lý đang gây trở ngại lớn đến sự phát triển của bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.

"Khoảng 2-3 năm trở lại đây, vấn đề này không những không được giải quyết triệt để mà ngày càng trầm trọng hơn. Nhất là việc cấp sổ hồng, sổ đỏ cho các loại hình mới như: Condotel, shophouse, shoptel, villa hay gọi chung là căn hộ du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng do chưa có quy định của pháp luật rõ ràng", ông Doanh nhìn nhận.

Nhiều điểm nghẽn

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV - cho rằng nhiều người vẫn coi bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng là xa xỉ, là “con nuôi” nên chưa thực sự quan tâm quy hoạch, xây dựng và phát triển bài bản.

"Khái niệm bất động sản du lịch chưa được nêu cụ thể trong các văn bản pháp lý ngành xây dựng và kinh doanh bất động sản. Bất động sản du lịch hiện nay chịu sự điều chỉnh chung của nhiều hệ thống văn bản pháp lý khác nhau", ông đánh giá.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng cho biết hiện nay chưa có quy định kiểm soát trách nhiệm giữa chủ đầu tư và khách hàng, quy định chế tài cụ thể về trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc đưa ra và thực hiện các cam kết lợi nhuận khi chào bán các sản phẩm trong các dự án bất động sản du lịch.

phap ly cho condotel anh 1

Giá các phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đều tăng trong thời gian qua. Ảnh: Quỳnh Danh.

Ông Lực cũng cho hay bất động sản du lịch chưa nhận được các chính sách hỗ trợ phát triển cụ thể, chưa có quy hoạch phát triển tổng thể, hạ tầng dịch vụ chưa đồng bộ, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp...

Ở góc độ luật pháp, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết căn hộ du lịch (bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng) là một loại nhà ở, đúng ra phải được xây dựng trên đất ở. Việc “bắt” căn hộ du lịch phải xây dựng trên đất thương mại, dịch vụ là trái với quy định tại khoản 4, Điều 6 về “Các hành vi bị nghiêm cấm”, Luật Nhà ở năm 2014 là: “Xây dựng nhà ở trên đất không phải là đất ở”.

Vì vậy, việc Khánh Hòa gọi là “đất ở không hình thành đơn vị ở” là rất hợp lý, rất đúng quy định của Luật Đất đai 2013, Luật Nhà ở 2014 và Luật Du lịch 2017.

GS.TS. Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng nên thừa nhận khái niệm “đất ở không hình thành đơn vị ở” vì đây là một giải pháp để tạo điều kiện phát triển thị trường.

"Tuy nhiên, chủ đầu tư không được bắt các nhà đầu tư thứ cấp chuyển lại sản phẩm để chủ đầu tư kinh doanh. Song, chủ đầu tư có quyền đưa ra các tiêu chí cho những sản phẩm nghỉ dưỡng nhằm đảm bảo quy hoạch được đồng bộ, thống nhất. Tóm lại, chúng ta nên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản cho những loại hình này", ông nêu quan điểm.

Cần có cơ chế chính sách rõ ràng

Để khơi thông được điểm nghẽn pháp lý, ông Bùi Văn Doanh cho rằng cần có sự thay đổi về tư duy quản lý và tiếp cận vấn đề từ tư duy lợi ích. "Tức là nếu thực hiện việc cấp sổ đỏ cho các dự án bất động sản du lịch trên 'đất ở không hình thành đơn vị ở' đã hoàn thành, được nghiệm thu và đưa vào sử dụng", ông nói thêm.

Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng được sử dụng đất lâu dài sẽ thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.

GS.TS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Viện trưởng Viện nghiên cứu bất động sản Việt Nam lưu ý giải pháp tốt nhất và khả thi nhất là Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và môi trường đứng ra chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng và một số bộ liên quan sớm tổ chức soạn thảo văn bản luật Đất đai.

GS.TS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - cũng cho rằng Chính phủ nên có một văn bản sau khi đã xin ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội về cách áp dụng pháp luật hiện hành để giải quyết các dự án đang bị ách tắc.

phap ly cho condotel anh 2

GS.TS. Đặng Hùng Võ. Ảnh: Reatimes.

"Về lâu dài, để khơi thông thị trường bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng, đòi hỏi phải có chính sách thu hút vốn đầu tư một cách hiệu quả, tạo ra sự hấp dẫn về lợi ích cho các bên tham gia và tăng thu ngân sách. Nếu các bất động sản du lịch nghỉ dưỡng được sử dụng đất lâu dài sẽ thu hút các nhà đầu tư thứ cấp", ông Võ thừa nhận.

Tuy nhiên, ông cho rằng cần dựa trên quy hoạch và nhu cầu sử dụng đất để cấp quyền sử dụng ngắn hạn hay dài hạn chứ không phải loanh quanh ở tên gọi “đất ở không hình thành đơn vị ở” hay tên gọi khác.

"Không nên dựa vào mục đích sử dụng đất để quy định đất đó là dài hạn hay ngắn hạn. Cách quy định đó là hoàn toàn manh mún và bất hợp lý, việc quản lý sẽ vất vả hơn nhiều", ông nói.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), tính đến tháng 9/2021, có tổng số 239 dự án bất động sản du lịch, trong đó ước tính giá trị dự án condotel đạt khoảng 297.128 tỷ đồng; dự án villas ước tính 243.990 tỷ đồng và dự án shophouse ước tính khoảng 154.245 tỷ đồng. Tổng giá trị 3 sản phẩm này khoảng 681.886 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD.

Các dự án chủ yếu tập trung tại 15 địa phương bao gồm: Hòa Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Bình, Huế (Thừa Thiên - Huế), Đà Nẵng, Quảng Nam, Quy Nhơn (Bình Định), Phú Yên, Nha Trang và Cam Ranh (Khánh Hòa), Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Quốc (Kiên Giang).

Một dự án condotel bị hủy bỏ quyết định chuyển mục đích sử dụng đất

Tỉnh Khánh Hòa hủy bỏ quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, đồng thời chuyển từ đất thuê sang giao đất có thu tiền ở dự án Ariyana SmartCondotel Nha Trang.

Nguồn tin: zingnews.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp