Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintucnhatrang.com, cảm ơn !

Mùa xuân dịu ngọt

Thứ sáu - 03/02/2023 13:44
Năm mười tám tuổi, Bách theo mẹ đến nhà thờ họ. Mẹ dặn Bách thắp hương xong thì ra ngoài đi dạo, đừng để ý chỗ người lớn nói chuyện. Bách ngồi dưới tán cây nhãn, nhắm mắt, nghe những thanh âm ồn ào vọng đến. Trong nhà, các cụ bô lão ngồi trên chiếc trường kỷ thi nhau chất vấn mẹ anh. Bà nội khóc bảo: Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa

Năm mười tám tuổi, Bách theo mẹ đến nhà thờ họ. Mẹ dặn Bách thắp hương xong thì ra ngoài đi dạo, đừng để ý chỗ người lớn nói chuyện. Bách ngồi dưới tán cây nhãn, nhắm mắt, nghe những thanh âm ồn ào vọng đến. Trong nhà, các cụ bô lão ngồi trên chiếc trường kỷ thi nhau chất vấn mẹ anh. Bà nội khóc bảo:


- Tôi chỉ có một đứa con trai, chẳng may nó mất sớm. Giờ còn mỗi đứa cháu đích tôn, chị lại định để nó đi xa tận đẩu đâu. Thử hỏi tuổi già này biết nương tựa vào đâu?


- Bà ở nhà đã có chúng con. Cháu đi du học chứ có đi mất luôn đâu mà bà sợ.


- Tôi giờ gần đất xa trời. Nó ở gần, có chuyện gì tôi còn kịp nhìn mặt cháu dặn dò. Chứ nó tận trời Tây, có về đến nơi chắc tôi cũng nằm dưới đất.


Tiếng các cụ thi nhau lên tiếng:


- Bố mất sớm thì sau này thằng Bách phải gánh việc của dòng họ. Cho đi học xa nhà, nhỡ nó lập nghiệp rồi lấy vợ luôn bên ấy thì mất con mất cháu. Thôi tốt nhất cho học trong nước.


Mẹ vẫn như mọi khi, nhẹ nhàng nhưng kiên quyết:


- Thưa các ông, các bà, chuyện tương lai của Bách, chỉ nó mới có quyền quyết định. Con tuy làm mẹ nhưng cũng không có quyền sắp đặt cuộc đời thằng bé. Nó mới mười tám tuổi, cần phải sống cuộc đời của nó. Thằng bé sinh ra không phải để gánh bất cứ thứ trách nhiệm nào mà chúng ta đặt lên vai nó.


Mẹ bước ra khỏi nhà thờ họ, lưng thẳng, mặt ngẩng cao không chú ý đến những lời bàn tán phía sau. Đó là một trong những lần hiếm hoi Bách thấy lưng mẹ thẳng. Cả đời mẹ vất vả lo toan, lúc còn làm ruộng thì quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Sau này mở cửa hàng, mẹ lúc nào cũng cúi xuống bốc hàng, tìm thứ này thứ kia cho khách. Tấm lưng mẹ cả đời cúi xuống hứng mưa hứng nắng để các con được đứng thẳng người.


* * *


Bách ở xứ người, trong cái lạnh thấu xương khi băng tuyết rơi trắng khắp nơi, anh nghĩ về mẹ. Mẹ như đốm lửa nhỏ sưởi ấm lòng anh vượt qua những biến cố thăng trầm. Bách mở phần mềm theo dõi camera từ xa, căn nhà mẹ hiện lên, thân thuộc. Buổi tối khi cửa hàng đã đóng, mẹ ngồi một mình trong bếp. Mâm cơm được dọn ra, chỉ thấy con mèo già và chú chó nhỏ mừng vui chạy loanh quanh chân chủ. Mẹ giơ bát cơm về phía camera, tỏ ý mời con cùng dùng cơm với mình. Vì mẹ biết dù ở nơi xa con vẫn hướng về ngôi nhà nhỏ. Tiếng Bách vọng ra từ camera:


- Bữa nay mẹ ăn cơm với gì vậy ạ?


- Sáng mẹ ra chợ mua được mớ tép đồng ngon quá về kho tương. Cà nhà làm ăn vừa đúng độ chua, thêm chút canh rau muống cho dễ nuốt.


- Nghe mẹ kể mà con thèm quá.


- Thèm thì về đây mẹ nấu cho ăn.


Có những ngày nghỉ, Bách nằm ngắm ngôi nhà qua điện thoại. Anh mường tượng ra thanh âm của những giọt mưa đêm rơi trên mái tôn, của tiếng gà xao xác ngoài vườn, của từng bước chân mẹ trên thềm nắng. Thanh xuân của Bách đã dành trọn cho chân trời mơ ước của mình. Trong hơn mười năm tuổi trẻ, Bách đã đặt chân đến bao vùng đất, gặp gỡ biết bao con người. Bách đã làm những điều mình thích, theo đuổi người mình yêu. Nhưng Bách dần nhận ra nơi thuộc về mình mãi mãi là ngôi nhà của mẹ - nơi Bách có thể nghe tiếng của từng vạt nắng lẻn qua những kẽ hở vào phòng; tiếng thở dài nén chặt trong lồng ngực mẹ…


Bách dần nhận ra mình không thuộc về nơi này. Anh không còn nghe thấy những thanh âm háo hức và hạnh phúc như những buổi đầu tiên nữa. Người Bách thương cuối cùng cũng rời bỏ anh đi. Chỉ có công việc cuốn lấy anh ngày tháng. Anh như cánh chim bay trên vùng trời tự do đã đến lúc mỏi cánh. Quãng thời gian này anh nghĩ về quê hương nhiều hơn. Anh thấy thèm được hít căng lồng ngực bầu không khí trong lành, tươi mát ấy. Thèm được ngửi mùi lúa non, rơm mục và nắng mới sau mưa. Thèm được ăn những món quê mẹ nấu. Thèm được ngồi dưới hiên nhà nghe lũ chim lích chích trên vòm cây, tiếng lá chuối cựa mình. Bách biết đã đến lúc mình trở về…


* * *


Từ khi ba đứa con đi xa, nhà ít dần tiếng động. Ban ngày, khách vào ra mua bán nói cười khiến bà quên đi cảnh sống một mình. Nhưng đêm đến, ngôi nhà chìm sâu trong tĩnh lặng. Thằng út thuê người lắp camera khắp nơi trong nhà, từ cửa hàng đến phòng ngủ. Nó nói: “Để con ở xa, mở ra là được thấy khắp ngõ ngách trong nhà, biết được mẹ đang làm gì, ăn gì. Như thế con mới thấy được gần ngay bên mẹ”. Cái camera bé tí treo mãi trên tường, nhưng bà thấy lưng mình luôn ấm vì biết rằng các con vẫn dõi theo mình. Từ ngày lắp “con mắt thần”, bà không còn dám ngồi khóc một mình. Bà làm gì cũng cố gắng hoạt bát, vui vẻ để các con nhìn thấy yên tâm. Thỉnh thoảng bà còn rủ hàng xóm sang hát hò, hoặc nấu nướng vui vẻ. Có khi cái chân đau nhức bà vẫn gắng đi lại bình thường, đến bữa cũng không còn một nồi, một bát mà dọn mâm ăn uống đàng hoàng. Bà trồng thêm nhiều hoa, kết giao thêm bạn bè. Những bộ quần áo mới các con gửi về bà cũng đem ra mặc.


Nhiều lúc ngồi mở ti vi nói oang oang, nhưng tâm trí bà chìm vào kỷ niệm. Bà nhớ lại những năm tháng nhà còn đông đủ, khi chồng còn sống, ba đứa con còn nhỏ. Nhà tuy nghèo khó nhưng đầm ấm yên vui. Từ ngày chồng mất vì bạo bệnh, mọi gánh nặng dồn lên vai bà. Bà xoay xở vốn liếng mở quán tạp hóa buôn bán nuôi con. Nhờ trời thương, người thương mà quán ngày càng đông khách, mấy đứa nhỏ được ăn học tử tế. Các con biết thương bà vất vả nên đứa nào cũng cố gắng học thành tài. Rồi đứa lớn ra trường, có việc làm lại phụ mẹ nuôi đứa bé. Nhiều lúc ngẫm lại quãng đường đã đi qua bà không khỏi ngậm ngùi.


Bà thường ngồi ngoài hiên nhìn ra đường. Thấy xe cộ trôi đi, bà tự hỏi họ đang về nhà hay đi xa? Bà lại ngồi nhớ con, nhớ cháu. Mới nửa tháng trước nhà còn đông vui vì con gái, con rể dẫn cháu ngoại về ăn Tết. Tiếng bước chân trẻ con đánh thức từng mảng tường, viên gạch. Chúng chạy từ ngoài sân vào nhà, từ xó bếp ra vườn, cười đùa cả ngày không biết mỏi. Mấy đứa con bày biện nấu nướng món gì bà cũng đều thấy ngon. Mấy năm trước, bà còn nhờ các con nhổ tóc bạc cho mình. Nhưng năm nay, trên đầu bà đâu còn mấy sợi đen. “Ấy thế mà chưa thấy thằng út nhắc gì chuyện vợ con”, bà nén tiếng thở dài khẽ than thở. “Biết đâu ngày gần nhất cậu út về dẫn theo cả nàng dâu về cho ngoại”. Đứa cháu ôm cổ bà tếu táo.


Ấy thế mà thằng út về thật, vào một chiều mùa xuân. Lúc bà đang lúi húi xếp lại hàng trên kệ thì nhận thấy hình như có người đứng đằng sau. Bách đặt vali xuống, ứa nước mắt trước tấm lưng của mẹ. Anh chạy lại ôm lấy tấm lưng ấy, hít hà mùi dầu gió lẫn đâu trong thớ vải. Không có nàng dâu nào theo về nhưng Bách nói sẽ về nước hẳn, sẽ cưới một nàng dâu tốt tính biết yêu thương, hiếu thảo. Anh nói thế lúc gắp quả cà, cắn một miếng đã đời rồi nghe vị chua giòn tan trong miệng. Anh vui quá nên nghe tiếng gió thổi ngoài vườn cũng bồi hồi xúc động. Những thanh âm bình dị và thân thuộc đang ngấm dần vào mọi giác quan. Mùa xuân ngọt và êm quá đỗi…


. Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp