Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintucnhatrang.com, cảm ơn !

Đề xuất loạt cơ chế, chính sách đặc thù cho khu kinh tế Vân Phong

Thứ năm - 21/04/2022 07:16
Sau khi có các chính sách đặc thù này tỉnh Khánh Hòa sẽ được phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ và tăng trách nhiệm của chính quyền tỉnh.
Đề xuất loạt cơ chế, chính sách đặc thù cho khu kinh tế Vân Phong

Bộ Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) vừa hoàn chỉnh hồ sơ, gửi các bộ, ngành thẩm định dự thảo xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Trong đó, Bộ KHĐT đề xuất 12 chính sách đặc thù ở 5 nhóm gồm: Tài chính, ngân sách nhà nước; quy hoạch, quản lý đất đai; phát triển khu kinh tế Vân Phong; phát triển kinh tế biển và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nhà đầu tư chiến lược phải có vốn tối thiểu 10.000 tỷ đồng

Nghị quyết này quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Khánh Hòa về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch, môi trường, đầu tư; tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; phát triển Khu kinh tế (KTT) Vân Phong; phát triển kinh tế biển và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Riêng về chính sách phát triển KKT Vân Phong, Bộ KHĐT đưa ra cơ chế, chính sách vượt trội nhằm thu hút nhà đầu tư chiến lược, có năng lực tài chính, quản trị với các cam kết bằng văn bản, gắn bó lợi ích lâu dài…

Gia dat Van Phong anh 1

Một góc vịnh Vân Phong. Ảnh: Vương Mạnh Cường.

Đối với các nhà đầu tư chiến lược, Bộ đề xuất doanh nghiệp đó phải có vốn điều lệ hoặc tổng tài sản từ 250-25.000 tỷ đồng trở lên sẽ hưởng nhiều quyền lợi, có thể kể đến, như ưu tiên hỗ trợ thủ tục đầu tư kinh doanh, bồi thường giải phóng mặt bằng; tham gia quá trình lập quy hoạch, xây dựng chính sách áp dụng tại KKT; tham gia xúc tiến đầu tư.

Ngoài ra, nhà đầu tư vào KKT Vân Phong còn được hưởng thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 20 năm liên tục, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; được ưu tiên thủ tục hải quan, thủ tục thuế…

Ban quản lý KKT Vân Phong được phân quyền thẩm định, cấp giấy phép đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài.

Về chính sách phân cấp, ủy quyền, Bộ KHĐT đề xuất UBND tỉnh Khánh Hòa được quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng mới, như cảng hàng không, sân bay; bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt; bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên.

Đối với Ban quản lý KKT Vân Phong được tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên Môi trường và UBND tỉnh Khánh Hòa theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Trong dự thảo, 7 ngành nghề được ưu tiên gồm: Trung tâm nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ cao; công nghiệp năng lượng, chế tạo công nghệ cao; xây dựng hàng không, bến cảng; khu phi thuế quan; lĩnh vực thương mại - tài chính gắn với cảng biển, hậu cần cảng biển quy mô 12.000 tỷ đồng; khu đô thị, kinh doanh khách sạn, nghỉ dưỡng quy mô 25.000 tỷ đồng; vui chơi giải trí tổng hợp có sân golf quy mô tối thiểu 30.000 tỷ đồng.

Vân Phong sẽ là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế

Sau khi có các chính sách đặc thù này tỉnh Khánh Hòa sẽ được phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ và tăng trách nhiệm của chính quyền tỉnh.

Ông Trần Ngọc Khiêm - Phó chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh - cho rằng sau khi Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch, bộ ngành đề xuất chính sách thì với huyện Vạn Ninh nói riêng và KKT Vân Phong nói chung sẽ có hành lang pháp lý vững chắc.

Gia dat Van Phong anh 2

Kinh tế biển sẽ là nền tảng phát triển của KKT Vân Phong trong tương lai. Ảnh: H.P.

Theo ông Khiêm, động thái trên sẽ là yếu tố rất thuận lợi cho địa phương phát triển cơ sở hạ tầng, triển khai đồng bộ công trình thiết yếu đặc biệt là giao thông kết nối Vân Phong - Tây Nguyên, Vân Phong - Nha Trang; các trục đường chính; hạ tầng cảng biển… từ đó đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân.

Phó chủ tịch huyện Vạn Ninh cũng nhìn nhận sắp tới dự kiến địa phương đối mặt với không ít khó khăn trong việc quản lý Nhà nước về đất đai, môi trường, trật tự xây dựng điều mà những năm qua địa phương là điểm nóng.

Hôm 13/4, Chính phủ cũng đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn 2050.

Theo đó, KKT Vân Phong có diện tích 150.000 ha, trong đó diện tích phần mặt nước khoảng 80.000 ha, phần đất liền và đảo khoảng 70.000 ha thuộc 2 huyện Vạn Ninh và Ninh Hoà.

Mục tiêu của quy hoạch nhằm xây dựng KKT Vân Phong trở thành trung tâm kinh tế năng động phát triển ngành nghề mới, trình độ cao, trở thành vùng động lực phát triển, đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao...

Khu kinh tế Vân Phong sẽ là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế

Khu kinh tế Vân Phong sẽ được xây dựng thành trung tâm kinh tế năng động phát triển ngành nghề mới, trình độ cao, trở thành vùng động lực phát triển, đô thị thông minh, bền vững.

Nhiều tập đoàn Mỹ, Nhật Bản xin đầu tư điện khí vào Vân Phong

Nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia của Mỹ, Nhật Bản có chủ trương lựa chọn Vân Phong để đầu tư các dự án điện khí với vốn đầu tư hàng chục tỷ USD.

Nguồn tin: zingnews.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp