Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintucnhatrang.com, cảm ơn !

Dốc yêu thương

Thứ sáu - 18/11/2022 11:25
1. Đang lúi húi dọn dẹp căn phòng tập thể cho ngăn nắp, Duyên bỗng ngẩng mặt lên khi nghe những tiếng chân bước lên từ con dốc. Một nhóm học trò nhỏ xôn xao trước cửa. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Dốc yêu thương

1. Đang lúi húi dọn dẹp căn phòng tập thể cho ngăn nắp, Duyên bỗng ngẩng mặt lên khi nghe những tiếng chân bước lên từ con dốc. Một nhóm học trò nhỏ xôn xao trước cửa.

 


- Em chào cô ạ! Cô lên, tụi em vui quá!


Duyên kéo ghế cho các em ngồi, nhìn từng gương mặt thân quen sau một thời gian nghỉ ốm. Các em líu lo đủ chuyện. Duyên thấy lòng mình vui hẳn lên chứ không còn buồn bã như sáng nay trên suốt chặng đường dài hơn năm mươi cây số từ nhà lên đây nữa.


Duyên phát bánh cho từng em. Nhìn học trò nhỏ nhẻ từng miếng như để cảm nhận vị ngọt tan dần trong miệng mà Duyên thấy thương lạ lùng. Cô mới lên đây dạy học, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm chừng ba năm. Đêm đầu tiên ở chốn lạ, trong căn phòng tuềnh toàng ván ghép, cô đã khóc vì buồn, vì sợ. Cũng may, dãy nhà tập thể có bốn phòng, đều là giáo viên trẻ ở lại, chứ nếu không có họ, chẳng biết cô trụ lại ở đây được mấy ngày.


 Trời đã xế chiều. Những cơn gió lạnh dồn tụ từng chòm mây thành đám đen kịt, bao phủ bầu trời. Mùa này, miền núi hay có mưa. Duyên giục học trò về nhà, kẻo sấm sét. Bọn trẻ lễ phép chào cô giáo rồi ù xuống dốc nhanh như đàn sóc. Chốc lát bóng của chúng mất hút sau hàng keo rậm rạp ven đường, trả lại không gian yên lặng cho ngôi trường bản lèo tèo mấy phòng học đã cũ.


  2. Mưa sầm sập chừng nửa tiếng thì ngừng. Không gian trở nên thoáng đãng. Duyên dạo bước ra phía trước sân trường. Lúp xúp những cụm nhà bên dưới thung lũng đang nấu ăn, từng lọn khói lam nhè nhẹ bay lên khiến cô chạnh lòng, rưng rưng. Cảm giác nỗi buồn từ đâu ập đến. Các anh chị ở phòng bên, nhà không xa lắm nên thường cuối tuần về nhà, sáng sớm đầu tuần lại lên. Duyên mong chập tối có giáo viên nào đấy sẽ xuất hiện, để cô không phải một mình giữa màn đêm đen đặc.


- Cô ơi, ông bà cho cô cái này ạ!  Một giọng nói con gái cất lên trước cửa khi Duyên đang chuẩn bị bữa tối.


 Một đoạn măng, mớ ốc đá và bó rau được bỏ trong túi ni lông. Cô mỉm cười, bảo cho cô cảm ơn ông bà nhé. Rồi Duyên kéo tay đứa học trò ở lại ăn tối cùng cô.


- Con bao nhiêu tuổi rồi? Con bé ngọ nguậy rồi dụi đầu vào bờ ngực cô.


- Mười một tuổi rồi ạ!


- Ba mẹ con làm gì mà cô không thấy ở nhà?


- Ba mẹ đi làm ăn xa, con với chị ở cùng ông bà! Con bé trả lời rồi kéo tấm chăn mỏng đắp lên ngực. Duyên cũng nghe lạnh, nằm nép vào sát con bé. Dường như con bé đã ngủ, Duyên nghe nhịp thở đều đều.


Bản cách trung tâm thị trấn tầm ba mươi cây số, nhiều đoạn phải băng theo con đường mòn nhỏ luồn rừng, lại qua mấy con suối. Người dân  sống chủ yếu bằng nương rẫy và lội suối bắt cá. Ruộng lúa ở đây đều nhờ nước trời, mùa nào cũng cằn cỗi, xơ xác. Học trò bỏ học nửa chừng nhiều, nhất là vào mùa mưa và sau Tết. Chúng theo cha mẹ đi làm ăn xa hay lên rừng hái măng, chặt đót. Cuộc sống nơi đây buồn bã và nghèo nàn, nhưng bù lại cái tình của họ khiến cho Duyên và các giáo viên không thể ngờ. Họ chân thật, hiền lành, yêu thương giáo viên như con em dân bản. Có chút gì ngon cũng dành dụm mang cho các thầy cô. Đổi lại, mỗi lần về nhà lên lại trường, Duyên và các thầy cô đều mang theo quà, tuy ít nhưng cũng đủ ấm lòng.


Ba mẹ con bé vì muốn đổi đời đã rời bản từ khi nó còn bé tí. Họ vào miền Nam làm thuê, gom góp xây được ngôi nhà nhỏ có chỗ che mưa tránh nắng. Nghĩ thương học trò nơi vùng núi xa xôi này nên ý định rời khỏi ngôi trường này chưa có trong suy nghĩ của Duyên.


3. Duyên được phân công cùng nhóm với vài giáo viên vào bản dạy phổ cập, kêu gọi học sinh ra lớp đúng độ tuổi. Ở vùng núi, dù mỗi bản ít hộ gia đình nhưng nhà này cách nhà kia lại xa, có khi phải băng đồi, lội suối, có nhà nằm biệt lập ở một nơi hẻo lánh, thế nên đi lại rất vất vả. Chuyện vào bản khó khăn đã đành, việc động viên, thuyết phục được gia đình cho con đi học nhiêu khê gấp bội. Có gia đình phải đến nhiều lần, trò chuyện và đôi lúc xắn tay lên làm cùng để họ đồng ý cho con đến trường. Có lẽ niềm vui của Duyên và các thầy cô giáo ở đây là khi nhìn xuống lớp các em có mặt đầy đủ, nụ cười vô tư tươi nở trên môi…


Trằn trọc mãi, Duyên mới chợp mắt được. Khi tỉnh dậy, mấy anh chị phòng bên đã dậy từ bao giờ. Duyên chuẩn bị vắt xôi vào tàu lá dong, rồi thêm ít muối mè. Đây là bữa trưa cho cả nhóm. Duyên ra đầu dốc đợi chị giáo viên phòng bên.


 Căn nhà nhỏ, mái tôn, vách gỗ cũ kỹ. Cậu bé gầy tong, đen nhẻm đang múc nước rửa mặt ở sân. Cạnh nó, đứa em mặt mũi cũng lấm lem. Trông thấy người lạ, hai đứa nhỏ ngơ ngác nhìn. Duyên hỏi có ba mẹ ở nhà không con. Thằng anh lắc đầu.


- Hai con có muốn đi học không?


- Dạ có ạ! Thằng anh nhanh nhảu.


Duyên giở cuốn sổ, ghi danh sách các bé trong độ tuổi đến trường cán bộ bản đã cập nhật. Hai đứa nhỏ có vẻ dạn dĩ hơn, háo hức nhìn vào nhưng làm sao chúng có thể đọc được gì trong đấy.


Ở bản, ban ngày, hầu hết trẻ em ở nhà với ông bà. Ba mẹ chúng còn bận đi làm. Họ ra khỏi nhà từ mờ sáng, cắm cúi trên những mảnh ruộng cằn cỗi, những vạt rẫy đá sỏi nhấp nhô, chênh vênh bên triền núi cao. Họ tần tảo để có hạt lúa, bắp nuôi sống gia đình nên không có thời gian để ý đến việc học hành của con cái.


4. Hình như có một sự chuyển động âm thầm của mùa trên từng phiến lá non xanh hoặc thảng trong làn sương buổi sớm nhẹ nhàng lướt qua ở vùng đất heo hút này. Những ân tình Duyên đón nhận được từ người dân bản, từ học trò nhỏ vừa điềm đạm, ân cần, vừa luyến lưu, bịn rịn đã giúp cô có thêm niềm tin vào cái nghề đã chọn. Có lẽ, dù còn nhiều vất vả, khó khăn, nhưng một khi con người ta hiểu được trách nhiệm bản thân thì mọi việc sẽ nhẹ nhàng và hiệu quả.


Nắng nấp trong tán lá, long lanh nhìn hiền như nụ cười của trẻ. Duyên khẽ mỉm cười, thầm so sánh như vậy khi đi dọc con đường về với bản. Bất ngờ, từ trên đỉnh dốc cao,  sương chiều bắt đầu bảng lảng, tiếng gọi của học trò vang lên lanh lảnh. Rồi cả nhóm lao xuống cùng những tiếng cười. Duyên vui mừng, ôm chầm và âu yếm gọi tên từng em.


. Truyện ngắn của Sơn Trần
 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp