Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintucnhatrang.com, cảm ơn !

Tín dụng tăng trưởng tốt

Thứ hai - 09/01/2023 14:21
Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, năm 2022, hoạt động tín dụng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn tăng trưởng hiệu quả. Bên cạnh việc tập trung vốn cho vay sản xuất kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên, các tổ chức tín dụng còn quan tâm nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Tín dụng tăng trưởng tốt

Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, năm 2022, hoạt động tín dụng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn tăng trưởng hiệu quả. Bên cạnh việc tập trung vốn cho vay sản xuất kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên, các tổ chức tín dụng còn quan tâm nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu.


Dư nợ cho vay tăng 10,6%


Năm 2022, tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề mới phát sinh chưa có tiền lệ, lạm phát gia tăng ở mức cao khiến cho nền kinh tế trong nước và tình hình kinh tế của tỉnh gặp nhiều khó khăn, thách thức. Điều này đặt ra cho ngành Ngân hàng Khánh Hòa nhiều nguy cơ rủi ro, như: Vòng quay vốn chậm, dòng tiền đứt gãy, doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu, mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, gia tăng rủi ro về thu hồi nợ… Trong bối cảnh đó, ngành Ngân hàng đã bám sát chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN); chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương để thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả. Theo báo cáo của NHNN Chi nhánh Khánh Hòa, đến cuối năm 2022, dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh đạt 112.910 tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2021; tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,15%, trong ngưỡng an toàn. Huy động vốn toàn tỉnh đạt 108.850 tỷ đồng, tăng 12,02% so với năm 2021.

 

Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh huyện Vạn Ninh.

Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh huyện Vạn Ninh.


Các tổ chức tín dụng đã tập trung vốn cho vay sản xuất kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên; triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân để từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế tỉnh. Theo đó, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng với dư nợ được cơ cấu hơn 14.000 tỷ đồng; đồng thời thực hiện miễn, giảm lãi, hạ lãi suất… Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cũng thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31 của Chính phủ và Thông tư số 03 của NHNN về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với doanh số 450 tỷ đồng; cho vay các lĩnh vực ưu tiên đạt doanh số 56.455 tỷ đồng; cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đạt 6.876 tỷ đồng; cho vay các đối tượng chính sách đạt 3.768 tỷ đồng…


Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ


Trong năm 2023, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức trên địa bàn tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện các nghị quyết của Trung ương về phát triển tỉnh Khánh Hòa. Do đó, việc điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế khác có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ông Đỗ Trọng Thảo - Phó Giám đốc Phụ trách NHNN Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, trong năm 2023, ngành ngân hàng sẽ kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng. Triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025”, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh xử lý nợ xấu; tăng cường công tác thanh tra và nâng cao hiệu quả công tác giám sát an toàn đối với các tổ chức tín dụng; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý đối với các tổ chức tín dụng.


Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; áp dụng các mô hình kinh doanh mới và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ tiện ích, an toàn đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong ngành ngân hàng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng.


MAI HOÀNG

 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp