Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintucnhatrang.com, cảm ơn !

Đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng

Thứ năm - 16/12/2021 15:27
Những năm qua, hỗ trợ chuyển đổi cây trồng là một trong những chính sách quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Khánh Hòa. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh tiếp tục thực hiện chuyển đổi hàng ngàn héc ta đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị cao hơn. Tuy nhiên, việc chuyển từ đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm sẽ không thực hiện. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng

Những năm qua, hỗ trợ chuyển đổi cây trồng là một trong những chính sách quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Khánh Hòa. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh tiếp tục thực hiện chuyển đổi hàng ngàn héc ta đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị cao hơn. Tuy nhiên, việc chuyển từ đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm sẽ không thực hiện.


Chuyển đổi gần 3.900ha cây trồng kém hiệu quả


Theo kết quả giám sát của Hội Nông dân tỉnh về triển khai Đề án chuyển đổi cây trồng giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh, trong các năm từ 2017 đến 2020, toàn tỉnh đã chuyển đổi được gần 3.900ha đất trồng cây hàng năm, lâu năm kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Theo đó, những vườn rẫy tạp được nông dân mạnh dạn chuyển sang trồng cây ăn quả, phổ biến là xoài, bưởi, mít…; còn những ruộng lúa 1 vụ ở những khu vực khó khăn về nước tưới hoặc chân ruộng cao được nông dân chuyển sang trồng rau, đậu.

 

Nông dân xã Ninh Đông (thị xã Ninh Hòa) chuyển sang trồng hẹ trên đất trồng lúa.

Nông dân xã Ninh Đông (thị xã Ninh Hòa) chuyển sang trồng hẹ trên đất trồng lúa.


Trong quá trình chuyển đổi cây trồng, Nhà nước đã hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng như điện, nước… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình canh tác của người dân; hỗ trợ khoảng 50% chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… để trợ lực cho nông dân. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2017 - 2020, toàn tỉnh đã có hơn 1.600ha đất chuyển đổi cây trồng được Nhà nước hỗ trợ với kinh phí hơn 40 tỷ đồng.


Ông Trần Thiện Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, giai đoạn 2017-2020, bình quân mỗi năm nông dân chuyển đổi khoảng 1.000ha đất canh tác, phần lớn là chuyển từ vườn rẫy tạp, cây lâu năm kém hiệu quả sang cây ăn quả. Sau khi chuyển đổi cây trồng, điều đáng ghi nhận là nông dân không chỉ cải thiện thu nhập mà trình độ sản xuất cũng được nâng lên đáng kể.


Không chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm


Tháng 3-2021, UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi cây trồng giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, giai đoạn này, toàn tỉnh dự kiến chuyển đổi hơn 5.800ha đất trồng cây hàng năm, lâu năm kém hiệu quả sang cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong đó, thị xã Ninh Hòa là địa phương có diện tích chuyển đổi lớn nhất, hơn 2.500ha; tiếp đến là huyện Cam Lâm hơn 1.000ha, trong đó hơn 717ha cây lâu năm được chuyển sang cây ăn quả, còn lại là cây hàng năm chuyển sang trồng rau màu. Đến thời điểm này, tỉnh chưa ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng giai đoạn 2021-2025. Vì thế, các địa phương trong tỉnh vẫn đang áp dụng chính sách hỗ trợ giai đoạn 2017-2020 để triển khai hỗ trợ cho người dân chuyển đổi cây trồng trong năm 2021.


Qua thống kê, giai đoạn 2021-2025, nông dân trên địa bàn tỉnh có nhu cầu chuyển đổi tổng cộng gần 2.580ha đất trồng lúa; trong đó hơn 2.000ha chuyển sang trồng cây hàng năm và hơn 576ha chuyển sang trồng cây lâu năm. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất lúa đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, đối với việc chuyển đất lúa sang trồng cây hàng năm, ngày 7-10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa toàn quốc năm 2021. Đây là cơ sở để các địa phương triển khai kế hoạch chuyển đổi của mình. Tuy nhiên, thời gian còn lại của năm 2021 không nhiều, chưa kể người dân cơ bản đã xuống giống lúa vụ mùa xong nên việc xây dựng kế hoạch, thực hiện chuyển đổi trên đất trồng lúa năm 2021 trên địa bàn tỉnh không thực hiện được. Điều này ảnh hưởng đến việc chuyển đổi hơn 2.000ha đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm theo nhu cầu của người dân.


Riêng đối với nhu cầu chuyển đổi hơn 576ha đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, theo quy định của pháp luật, việc chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa phải đảm bảo “không làm mất đi các điều kiện để trồng lúa trở lại”; “người sử dụng đất trồng lúa có trách nhiệm cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất; không được chuyển sang sử dụng vào mục đích trồng cây lâu năm, trồng rừng, nuôi trồng thủy sản, làm muối và vào mục đích phi nông nghiệp nếu không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép”. Do đó, việc chuyển đổi đất lúa sang trồng cây lâu năm sẽ không thực hiện. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không đưa hơn 576ha đất trồng lúa chuyển sang trồng cây lâu năm vào dự thảo Kế hoạch chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa giai đoạn 2021-2025. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương xem xét trên cơ sở đảm bảo cân đối quỹ đất trồng lúa của địa phương và nhu cầu chuyển đổi của người dân để đưa vào Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất hàng năm và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật liên quan đến việc chuyển đổi đất lúa.


HỒNG ĐĂNG

 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp