Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintucnhatrang.com, cảm ơn !

Một đời đam mê…

Thứ ba - 27/12/2022 11:21
Tuy đã ở độ tuổi ngoài 60 nhưng sự đam mê sáng tạo trong họ vẫn chưa bao giờ vơi, họ vẫn miệt mài cống hiến cho sự nghiệp khoa học và phát triển của tỉnh. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Một đời đam mê…

Tuy đã ở độ tuổi ngoài 60 nhưng sự đam mê sáng tạo trong họ vẫn chưa bao giờ vơi, họ vẫn miệt mài cống hiến cho sự nghiệp khoa học và phát triển của tỉnh.


Nhà “vắc xin học”


Những ngày cuối năm, căn phòng mới dành cho chuyên gia của Phân viện Thú y miền Trung vẫn sáng đèn. Ở đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Tân - nguyên Giám đốc Phân viện Thú y miền Trung vẫn miệt mài làm việc sau khi chuyển sang chế độ chuyên gia. Ngoài 60 tuổi nhưng sức làm việc của ông không hề giảm sút. Ông vừa “cho ra lò” công trình mới về vắc xin tứ liên, đang chờ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép để sản xuất hàng loạt.  

Với bề dày trong nghiên cứu khoa học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Tân đã có hàng chục công trình được vinh danh, gần đây nhất là công trình về vắc xin tam liên đạt giải nhì giải thưởng Vifotec (Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam) lần thứ 16 (2020 - 2021) và công trình mới về vắc xin tứ liên đề cập ở trên. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Tân, sản xuất vắc xin là lĩnh vực kỹ thuật cao, nghiên cứu trong thời gian dài, đòi hỏi phải có nhà máy với trang thiết bị hiện đại, đội ngũ công nhân tay nghề cao. Sản xuất vắc xin tam liên, tứ liên phối hợp của nhiều chủng loại bệnh học khác nhau. Sản phẩm vắc xin tam liên, tứ liên phân lập từ các chủng vi khuẩn, vi rút gây bệnh động vật như: dịch tả heo, tụ huyết trùng… đòi hỏi phải đạt độ thuần khiết cao nhưng không giảm hiệu giá kháng nguyên. Trong khi đó, mỗi loại kháng nguyên có đặc tính riêng, việc phối trộn rất phức tạp, phải bỏ nhiều công sức thử nghiệm rất nhiều lần mới thành công. Có lẽ tại Việt Nam, chỉ duy nhất Phân viện Thú y miền Trung mới có loại vắc xin phức hợp này.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Tân (hàng trước, thứ 4 từ phải sang) nhận giải nhì tại Vifotec lần thứ 16 (2020 - 2021).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Tân (hàng trước, thứ 4 từ phải sang) nhận giải nhì tại Vifotec lần thứ 16 (2020 - 2021).


Nhìn vào danh mục các công trình khoa học đạt giải của ông thật đáng nể với hàng chục công trình nghiên cứu về dịch tễ, vắc xin, bệnh học liên quan đến ký sinh trùng, giun sán gia súc, gia cầm. Trong đó, nhiều công trình đạt giải cao tại các hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh và toàn quốc như: “Nghiên cứu sản xuất vắc xin kép vô hoạt phòng bệnh phù đầu và phó thương hàn lợn” đạt giải nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh năm 2015, giải A giải thưởng khoa học công nghệ tỉnh lần thứ 2 (năm 2021); công trình “Nghiên cứu sản xuất vắc xin nhược độc đông khô phòng bệnh tụ huyết trùng và đóng dấu ở lợn” đạt giải nhất Vifotec lần thứ 13 - năm 2016 và đã được công nhận là tiến bộ kỹ thuật...


Khi được hỏi về bí quyết thành công, ông cho rằng đó là kết tinh công sức của cả tập thể phân viện. Gửi gắm với thế hệ trẻ, ông kỳ vọng họ có thật nhiều khát khao, hoài bão làm khoa học và luôn lao động sáng tạo bền bỉ, không ngừng nghỉ. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng để các nhà khoa học trẻ tập trung trí tuệ, phát huy hết khả năng sáng tạo. Có như thế, họ mới tiếp nối các lớp người đi trước, cống hiến cho đất nước những công trình khoa học thực sự giá trị.


Nhà khoa học của biển


Hàng chục năm công tác tại Viện Hải dương học, Tiến sĩ Lê Đình Mầu chưa hề vơi đi niềm đam mê với biển. Quê ông ở huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa), nhà chỉ cách biển vài trăm mét. Từ nhỏ, ông đã tự hỏi: Tại sao biển có lúc dịu êm, trong xanh, có lúc hung dữ với những trận cuồng phong? Từ đâu có thủy triều? Tại sao bão thường đổ bộ cùng với triều cường…? Những câu hỏi ấy cùng sự thôi thúc tìm hiểu về biển cứ lớn dần lên, để rồi ông quyết định thi vào ngành Hải dương học (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội). Sau khi ra trường, ông được điều về làm việc tại Phòng Vật lý biển, Viện Hải dương học, nơi ông có thể thỏa đam mê khám phá biển. Ông đã trải qua nhiều vị trí công tác, tham gia giảng dạy tại nhiều trường đại học lớn và đã đúc kết khối tài liệu về biển Việt Nam rất giá trị.

Tiến sĩ Lê Đình Mầu
Tiến sĩ Lê Đình Mầu


Suốt những năm công tác, Tiến sĩ Lê Đình Mầu đã chủ trì hàng chục đề tài, hợp đồng khoa học. Trong đó, có nhiều đề tài cấp Nhà nước; chủ biên và phối hợp biên soạn với các tác giả khác hơn 60 đầu sách, tài liệu bằng tiếng Anh và tiếng Việt; xuất bản hơn 10 bài báo quốc tế trên các chuyên trang chuyên ngành những công trình liên quan đến nghiên cứu, khảo sát hải văn, động lực biển, năng lượng biển, xói lở, bồi tụ cửa sông, hải lưu, dòng Rip, sóng, thủy triều, quan trắc, dự báo biển… phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Trung và cả nước.


Một công trình thiết thực với người dân Nha Trang gần đây của ông đó là đề tài nghiên cứu về dòng Rip. Bao năm làm việc tại Viện Hải dương học, chứng kiến những tai nạn của người tắm biển, ông càng nung nấu nghiên cứu về dòng chảy tại các bãi tắm. Ông đã đề xuất nghiên cứu đề tài về điều tra dòng Rip và các giải pháp phòng tránh, thu được kết quả tốt đẹp. Hiện nay, cơ quan chức năng đã thiết lập được những bãi tắm an toàn, cắm cờ, biển báo và cắt cử lực lượng cứu hộ trực canh để kịp thời bảo vệ tính mạng người dân và du khách khi gặp sự cố.


Hiện nay, Tiến sĩ Lê Đình Mầu vẫn tiếp tục chế độ chuyên gia, giống như Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Tân. Đây là những trường hợp đặc biệt có nhiều đóng góp cho khoa học, theo quy định đến 65 tuổi mới về hưu. Công việc chính của ông tại viện là biên soạn, xuất bản sách (kể cả các tạp chí uy tín nước ngoài) những công trình khoa học do ông chủ trì cũng như phối hợp với các đồng nghiệp. Ngoài ra, ông còn tham gia các hội đồng khoa học, thực hiện vai trò phản biện các đề tài, công trình khoa học của các tác giả trẻ.


Thời gian đến, khi tỉnh dồn toàn lực vào công cuộc phát triển tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, hy vọng những công trình, kiến thức của các nhà khoa học này sẽ là vốn quý, góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng quê hương Khánh Hòa ngày càng phát triển.  


V.L


 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp