Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintucnhatrang.com, cảm ơn !

Khánh Vĩnh: Quan tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ

Thứ ba - 28/06/2022 01:20
Những năm qua, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đạt được một số kết quả nhất định trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, trong đó nổi bật là đề tài liên quan đến mô hình cây bưởi da xanh. Huyện vừa đề xuất nhiều nội dung nhằm đẩy mạnh công tác khoa học và công nghệ trong thời gian tới.   Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Khánh Vĩnh: Quan tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ

Những năm qua, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đạt được một số kết quả nhất định trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH-CN), trong đó nổi bật là đề tài liên quan đến mô hình cây bưởi da xanh. Huyện vừa đề xuất nhiều nội dung nhằm đẩy mạnh công tác KH-CN trong thời gian tới.


Dấu ấn bưởi da xanh


Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Khánh Vĩnh, giai đoạn 2016-2020, huyện triển khai một số đề tài KH-CN, trong đó có đề tài liên quan đến cây bưởi da xanh. Cụ thể như: Xây dựng, quản lý nhãn hiệu tập thể Khánh Vĩnh cho cây bưởi da xanh trồng trên địa bàn huyện (năm 2017); phát triển cây bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP tại Khánh Hòa (năm 2019). Kết quả đến nay, bưởi da xanh trở thành sản phẩm chủ lực của huyện với tổng diện tích hơn 650ha, sản lượng 5.000 tấn/năm, được trồng ở 13 xã, thị trấn, tập trung chủ yếu ở các xã: Khánh Đông, Khánh Bình, Khánh Hiệp, Khánh Trung, Khánh Nam, Khánh Phú, Sông Cầu, Khánh Thành… Bưởi Khánh Vĩnh đã xây dựng thương hiệu, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bưởi da xanh Khánh Vĩnh năm 2019, trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP và ngày càng có uy tín trên thị trường.

 

Cây bưởi da xanh đã trở thành thương hiệu của huyện Khánh Vĩnh.

Cây bưởi da xanh đã trở thành thương hiệu của huyện Khánh Vĩnh.


Thời gian qua, nhiều nhà vườn đã phát triển thành sản phẩm OCOP 2, 3 sao như: Thái Tường, Sơn Nguyên (đạt 3 sao). Trong năm 2022, có 2 nhà vườn đăng ký nhãn hiệu chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là Việt Tấn và Hiệu Linh. Hiện tại, nhãn hiệu bưởi da xanh Khánh Vĩnh được Tổ sản xuất trái cây an toàn Khánh Vĩnh, Tổ hợp tác trồng bưởi da xanh xã Khánh Thành, Hợp tác xã Trồng cây ăn quả xã Khánh Đông và 54 hộ sản xuất bưởi VietGAP sử dụng hiệu quả. Nhằm nâng cao giá trị của quả bưởi, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đang phối hợp với các đơn vị để xây dựng mã số vùng trồng cho các địa phương trên địa bàn huyện.


Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Khánh Đông khẳng định, cây bưởi da xanh đang mang lại hiệu quả kinh tế lớn nhất trong số những cây trồng triển khai trên địa bàn xã. Hiện nay, diện tích bưởi đã phủ xanh 156ha, năng suất 15 tấn/ha/năm, giá bán bình quân 20.000 đồng/kg. Tuy có thời điểm giá bưởi xuống thấp nhưng chỉ là tạm thời, đời sống người trồng bưởi được nâng cao hơn so với trước kia.


Bên cạnh đó, huyện Khánh Vĩnh còn triển khai một số đề tài KH-CN khác đạt kết quả nhất định như: Đánh giá hiệu quả của mô hình cây mít nghệ trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (năm 2016); xây dựng mô hình cây dứa Cayenne trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (năm 2017). Huyện còn tiếp nhận và phổ biến 2 đề tài KH-CN cấp tỉnh: Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Khánh Hòa; Thực trạng và giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức nhiều buổi tập huấn, chuyển giao mô hình KH-CN như: Kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả theo hướng VietGAP; kỹ thuật ủ phân chuồng sinh học; các lớp trồng trọt, chăn nuôi, tưới tiết kiệm…


Đề xuất nhiều nội dung

 

Huyện Khánh Vĩnh đề xuất 2 nhiệm vụ KH-CN trong năm 2023. Trong đó, đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu và ứng dụng vỏ cây keo lai sau khai thác phục vụ trong sản xuất nông lâm nghiệp”, kinh phí dự kiến 1 tỷ đồng; đề tài cấp cơ sở “Ứng dụng KH-CN xây dựng mô hình trồng cây bụp giấm theo tiêu chuẩn GACP (thực hành tốt nuôi trồng và thu hái) tại huyện Khánh Vĩnh”, dự kiến kinh phí 200 triệu đồng.

Theo ông Trần Minh Thuận - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Khánh Vĩnh, công tác KH-CN của huyện thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn do cán bộ KH-CN các cấp kiêm nhiệm, trình độ quản lý KH-CN còn hạn chế, chưa chủ động tham mưu đề xuất đăng ký các đề tài KH-CN hàng năm; các xã, thị trấn chưa quan tâm đăng ký đề tài; kết quả triển khai ứng dụng phổ biến đề tài KH-CN cấp tỉnh còn ít…


Mới đây, trong buổi làm việc với lãnh đạo Sở KH-CN về xây dựng kế hoạch KH-CN, đổi mới sáng tạo và dự toán ngân sách KH-CN năm 2023, bà Ca Tông Thị Mến - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh đề xuất: Sở cần tăng cường hướng dẫn địa phương trong các hoạt động quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp khoa học tỉnh; tăng cường hướng dẫn, đề xuất ý tưởng, đề xuất đặt hàng đăng ký các đề tài, nhiệm vụ KH-CN trên địa bàn huyện. Đồng thời, hỗ trợ phát triển thương hiệu sản phẩm đặc trưng; giới thiệu chuyên gia có uy tín, kinh nghiệm trong công tác tư vấn xác định nhiệm vụ KH-CN hàng năm trên cơ sở ý tưởng, đề xuất của địa phương…


Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện và các chương trình: Hỗ trợ đồng bào dân tộc miền núi; xây dựng nông thôn mới; OCOP; phát triển các sản phẩm đặc trưng; khuyến công; trồng, bảo vệ và phát triển rừng…, huyện đề nghị Sở KH-CN, các nhà khoa học đưa ra những giải pháp, đề xuất triển khai các nội dung, nhiệm vụ thúc đẩy và phát triển giúp địa phương hoàn thành tốt những nhiệm vụ, chương trình nêu trên. “Đến thời điểm này, huyện Khánh Vĩnh chưa có quy hoạch vùng. Với điều kiện nhân lực hiện tại của huyện, đề nghị Sở KH-CN, các viện, trường, doanh nghiệp góp ý kiến về định hướng quy hoạch tiểu vùng của huyện để phát triển Khánh Vĩnh trở thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng theo Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, bà Mến nói.


V.L


 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp